Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Xử phạt hơn 270 vi phạm hành chính về sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện

Xử phạt hơn 270 vi phạm hành chính về sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện
Trong năm 2024, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã ban hành 272 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng thiết bị vô tuyến điện, với tổng số tiền phạt hơn 462 triệu đồng.

Thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, Cục Tần số vô tuyến điện đã kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm hành chính về tần số vô tuyến điện.

Theo đó, ngày 25/12, Cục Tần số vô tuyến điện cho biết đã ban hành 272 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 462 triệu đồng trong năm 2024. 

Được biết, hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép hoặc không đúng quy định giấy phép. Trong đó, 46 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vì vi phạm về sử dụng thiết bị lặp thông tin di động, còn gọi là thiết bị kích sóng di động.

Cục không nêu rõ số tiền đối với từng trường hợp, nhưng cho biết việc xử phạt được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022.

Theo Điều 58 của nghị định, mức phạt là 1-2 triệu đồng với hành vi sử dụng đài vô tuyến điện di động thuộc mạng thông tin vô tuyến điện nội bộ nhưng không có giấy phép. Trong trường hợp sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép, mức phạt là 2-5 triệu đồng với thiết bị có công suất phát sóng nhỏ hơn hoặc bằng 15 W, có thể tăng lên 50-70 triệu đồng đối với thiết bị vô tuyến điện có công suất phát sóng 10-20 kW.

Theo Cục Tần số, năm trước, Cục cũng đã xử lý hàng chục trường hợp tương tự trong một tháng. Các thiết bị Trạm lặp thông tin di động (Repeater) còn gọi là thiết bị kích sóng di động, được một số người dân sử dụng ở nơi sóng kém, nhằm cải thiện cường độ sóng. Thiết bị này trước đây dễ dàng được mua từ các chợ đồ điện tử, trang thương mại tại Việt Nam với giá vài triệu đồng.

Được biết, đây là thiết bị người dân không được tự ý lắp đặt hay sử dụng. Nếu lắp đặt trái phép, thiết bị có thể gây can nhiễu sóng quanh khu vực, ảnh hưởng tới trạm thu phát sóng di động của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất công cộng. Đây cũng là lý do ở một số nơi, người dùng di động gặp hiện tượng mất kết nối, rớt cuộc gọi hoặc giảm tốc độ truy cập mạng.

Xử phạt hơn 270 vi phạm hành chính về sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện
Một thiết bị kích sóng bị thu giữ. (Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện)

Cục Tần số vô tuyến điện khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị vô tuyến điện, kể cả thiết bị thuộc danh mục được miễn giấy phép (thiết bị âm thanh không dây (micro không dây), thiết bị truyền hình ảnh không dây, thiết bị nhận dạng vô tuyến, thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến...) phải có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy.

Đối với thiết bị vô tuyến điện không thuộc Danh mục được miễn giấy phép thì khi sử dụng phải có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện và trong quá trình sử dụng thiết bị phải được cài đặt tần số, các thông số kỹ thuật theo đúng quy định của giấy phép.

Đối với thiết bị kích sóng di động, khuyến cáo người dân không được tự ý trang bị, lắp đặt và sử dụng để tránh gây nhiễu có hại làm mất kết nối, rớt cuộc gọi hay giảm tốc độ truy cập mạng di động như đã xảy ra tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác.

Nếu gặp trường hợp di động không liên lạc được do nằm trong vùng sóng yếu, người dân có thể chủ động thông báo trực tiếp hoặc qua điện thoại hotline đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động tương ứng để được hỗ trợ khắc phục.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.33949 sec| 647.398 kb