Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Liên tiếp những vụ án thương tâm xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai trong gia đình

Liên tiếp những vụ án thương tâm xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai trong gia đình
Có thể nói vấn đề tranh chấp quyền thừa kế đất đai là một trong những nguyên nhân dẫn đến bi kịch của nhiều gia đình. Không ít những vụ án mạng thương tâm xảy ra mà thủ phạm và nạn nhân lại chính là những người ruột thịt. Hậu quả để lại là những mất mát, những nỗi đau không thể đong đếm.

Trong những năm gần đây, nhiều vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra, trong đó những vụ án xuất phát từ mâu thuẫn về việc tranh chấp đất đai thừa kế ngày càng gia tăng, để lại hậu quả hết sức ám ảnh, gây hoang mang cho dư luận .

Đồng Nai: Chị dâu tưới xăng thiêu em chồng tử vong

Ngày 16/7/2022, người dân sống gần nhà bà T.P.Đ. (62 tuổi) trên đường Trần Quốc Toản (phường An Bình, TP.Biên Hòa) phát hiện có khói lửa bốc lên, đồng thời thấy 2 phụ nữ bị bỏng nặng nên trình báo cơ quan chức năng. Khi lực lượng chức năng đến hiện trường thì phát hiện bà Đ. bị cháy toàn thân, người còn lại là bà T.T.N. (58 tuổi, chị dâu của bà Đ.) cũng bị bỏng nặng. Các nạn nhân nhanh chóng được đi cấp cứu, tuy nhiên bà Đ. đã tử vong. Bà N. hiện vẫn đang được cấp cứu tại Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Liên tiếp những vụ án thương tâm xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai trong gia đình
Hiện trường vụ án chị dâu thiêu sống em chồng. Ảnh: Tiền Phong

Nguyên nhân vụ việc bước đầu được xác nhận là do xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa 2 người, đã được đưa ra tòa xét xử nhưng thời gian gần đây bà Đ. và bà N. tiếp tục xảy ra mẫu thuẫn. Đến chiều 16/7, khi thấy bà Đ. ngồi giặt đồ trong nhà tắm, bà N. đã dùng xăng đổ lên người của cả 2 rồi châm lửa đốt với ý định cùng chết chung. Khi lửa bốc cháy, cả 2 cùng chạy ra ngoài và được người dân phát hiện.

Đan Phượng - Hà Nội: Anh trai truy sát khiến 4 người nhà em ruột tử vong

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên được vụ thảm sát gây rúng động dư luận tại Đan Phượng (Hà Nội) xảy ra vào năm 2019, khi người anh trai ra tay thảm sát khiến 4 người trong gia đình em ruột tử vong.

Theo đó, Nguyễn Văn Đông và em trai là Nguyễn Văn Hải (50 tuổi) sống cạnh nhà nhau tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi đất ở từ năm 2016. Đến 20h tối ngày 29/8/2019, anh Nguyễn Văn Hiệp (26 tuổi, con trai ông Hải) sang nhà ông Đông thông báo về việc gia đình sắp xây nhà mới tại thửa đất sát với nhà ông Đông và hỏi có thắc mắc gì về ranh giới đất hay không. Ông Đông đuổi anh Hiệp về vì cho rằng việc này phải do bố mẹ của anh Hiệp sang xin phép. Đông suy diễn mâu thuẫn giữa mình và em trai là do anh Hiệp và bà Doãn Thị Việt (49 tuổi, vợ ông Hải) xúi giục, nên nảy sinh ý định giết 2 người này.

Liên tiếp những vụ án thương tâm xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai trong gia đình
Đối tượng Nguyễn Văn Đông giết chết 4 người trong gia đình em trai. Ảnh: Lao động

Khoảng 7h30 sáng 1/9/2019, ông Đông giấu một con dao nhọn trong áo rồi sang nhà em trai tìm giết anh Hiệp và bà Việt. Vừa đến cổng nhà em trai, Đông thấy bà Việt đi xe máy từ sân ra nên đã dùng dao chém khiến bà Việt gục tại chỗ. Ông Đông tiếp tục cầm dao truy sát em trai là ông Hải, chị Nguyễn Thị Bắc (28 tuổi, con gái ông Hải), chị Đỗ Thị Hồng Nhung (24 tuổi, con dâu ông Hải) và cháu Nguyễn Đỗ Huyền My (1 tuổi, cháu nội ông Hải). Vụ việc khiến ông Hải, chị Bắc tử vong tại chỗ, 3 người còn lại được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bé Huyền My và bà Việt tử vong ngay sau đó do vết thương quá nặng, riêng chị Hồng Nhung được cứu sống.

Cần Thơ: Anh đâm chết em trai ruột vì mảnh đất thừa kế

Ngày 25/9/2018, Toà án Nhân dân thành phố Cần Thơ tuyên Nguyễn Văn Thơ (42 tuổi, ngụ huyện Phong Điền) 12 năm tù về tội Giết người. Cụ thể, Nguyễn Văn Thái và Nguyễn Văn Thơ là anh em ruột, thường xảy ra cự cãi về việc tranh chấp đất. Nguyên nhân sự việc do cha mẹ có sang nhượng cho Thơ 2.500m2 đất ruộng, với giá 150 triệu đồng. Thơ trả trước 60 triệu đồng, phần tiền còn lại sẽ trả hết khi làm xong thủ tục sang nhượng. Thái không đồng ý vì nghĩ rằng giá chuyển nhượng cho anh trai thấp và đòi bán cho người khác với giá cao hơn. 

Liên tiếp những vụ án thương tâm xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai trong gia đình
Nguyễn Văn Thơ đâm em trai ruột tử vong do tranh chấp đất thừa kế. Ảnh: Lao động

Chiều 15/5/2018, Thơ đi uống rượu về và ghé nhà mẹ bàn bạc về việc chuyển nhượng đất. Lúc này, Thơ và em trai xảy ra cự cãi. Thái nhất quyết phản đối chuyển nhượng đất, không cho anh trai sử dụng lối đi và lấy nước canh tác. Hai anh em mâu thuẫn xảy ra đánh nhau. Trong lúc ẩu đả, Thơ lấy dao đâm em ruột bị thương nặng và tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu.

TP.HCM: Đâm chết anh trai vì sợ bị giành tài sản bố mẹ để lại

Ngày 26/7/2016, Toà án Nhân dân TP.HCM xét xử bị cáo Phùng Huệ Nhơn (32 tuổi, ngụ tại quận 11) về tội Giết người. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Nhơn cùng 3 anh em trai là Phùng Vệ Minh, Phùng Vệ Nghĩa và Phùng Vệ Đức đồng sở hữu một căn nhà tại đường Lê Bạch Cát, phường 13, quận 11 do bố mẹ để lại. Đức dọn ra ngoài ở riêng, 3 người còn lại sống chung với nhau tại căn nhà này. Trong quá trình chung sống, hai anh em Nhơn và Minh thường xuyên xảy ra mâu thuẫn đánh nhau nhưng được mọi người can ngăn.

Liên tiếp những vụ án thương tâm xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai trong gia đình
Đối tượng Phùng Huệ Nhơn trong phiên tòa xét xử. Ảnh: Zing News

Tối ngày 4/1/2016, sau khi đi nhậu về, Minh ngồi chửi vợ chồng Nhơn thậm tệ. Khoảng 2h hôm sau, Nhơn thức dậy và cảm thấy bực tức vì bị chửi mắng và nghĩ 3 người anh em của mình tìm cách chiếm đoạt ngôi nhà nên đã đi lấy dao rồi đâm Nghĩa khi người này đang nằm ngủ. Nạn nhân sau đó kịp chạy ra ngoài kêu cứu. Người dân đưa Nghĩa đến bệnh viện trong tình trạng khẩn cấp, may mắn được cứu thoát. Sau khi đâm Nghĩa, Nhơn tiếp tục cầm dao đi tìm và đâm anh Minh nhiều nhát vào cổ, ngực và vai khiến nạn nhân tử vong.

Bình Phước: Anh em ruột chém giết nhau do tranh chấp đất đai, 1 người tử vong

Khoảng 20h ngày 26/6/2015, sau khi đi nhậu về, vì có sẵn rượu trong người nên hai anh em Trương Văn Hùng (sinh năm 1967) và Trương Văn Phúc (sinh năm 1969) cùng ngụ tại xã Bình Hòa xảy ra mâu thuẫn gay gắt. Không kìm được cơn nóng giận, trong lúc cự cãi cả hai thách thức nhau cầm dao ra sân vườn nhà “thanh toán”.

Liên tiếp những vụ án thương tâm xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai trong gia đình
Trương Văn Hùng tại . Ảnh: An ninh Thủ đô

Sau màn đâm chém kinh hoàng, cả Hùng và Phúc đều bị thương tích nặng và bị ngất xỉu tại chỗ. Cả hai được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), nhưng do vết thương quá nặng, mất nhiều máu, Trương Văn Phúc đã tử vong. Còn Trương Văn Hùng may mắn hơn được điều trị qua cơn nguy kịch. Theo kết luận của cơ quan CSĐT, nguyên nhân dẫn đến việc đối tượng Hùng dùng dao đâm chết em trai mình xuất phát từ việc tranh chấp đất đai trong gia đình.

Đất đai và nhà ở là những loại di sản thừa kế phổ biến và có giá trị, chính vì vậy nên rất dễ xảy ra tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình. Để tránh những câu chuyện thương tâm, đau lòng do mâu thuẫn về quyền thừa kế nhà đất, đòi hỏi mỗi công dân phải trang bị những kiến thức hiểu biết về Luật Thừa kế. 

Lập di chúc được coi là phương án hạn chế tối đa rủi ro xung quanh vấn đề phân chia tài sản thừa kế, giảm thiểu tranh chấp và những rắc rối pháp lý khác liên quan đến quyền thừa kế sau khi người để lại tài sản qua đời. Trong đó, bản thân người viết di chúc cũng cần phải tìm hiểu luật để nắm rõ những nội dung, thể thức, trình tự các bước của di chúc; những điều cần chuẩn bị trước, trong và sau quá trình lập di chúc; quyền của người lập di chúc,… để được pháp luật công nhận là văn bản thừa kế tài sản khi tiến hành phân chia thừa kế cũng như để phân định phần di sản để lại cho từng người một cách hợp pháp.

Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về Thừa kế theo di chúc như sau:
Điều 630. Di chúc hợp pháp:
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Điều 633. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng:
Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
Điều 634. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:
Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Điều 635. Di chúc có công chứng hoặc chứng thực:
Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.
Điều 636. Thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã:
Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:
1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc;
2. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, người mất chưa kịp để lại di chúc do qua đời đột ngột hoặc do nhiều lý do khác thì việc chia phần di sản để lại sẽ chiếu theo quy định của pháp luật. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Vì vậy, những người thừa kế đòi hỏi cũng cần phải tìm hiểu để nắm rõ luật, phân chia tài sản một cách công bằng, hợp lý, tránh xảy ra mâu thuẫn trong gia đình.

Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về Thừa kế theo pháp luật như sau:
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc.
Điều 651: Người thừa kế theo pháp luật:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26081 sec| 682.633 kb