Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Những chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 5/2020

Những chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 5/2020
Tháng 5/2020, nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực trong đó có việc, thực hiện thí điểm ký quỹ 100 triệu đồng đối với lao động đi làm tại Hàn Quốc.

Những chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 5/2020
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2020. Ảnh minh họa

Thí điểm ký quỹ 100 triệu đồng đối với lao động đi làm tại Hàn Quốc

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12 năm 2020 thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS). Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/5/2020.

Người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong 35 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách trên địa bàn nơi đăng ký thường trú.

Có tiền bảo lãnh sẽ không bị tạm giữ xe vi phạm giao thông

Theo Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính., phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ thì tổ chức, cá nhân vi phạm có thể được giao giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan, của người có thẩm quyền tạm giữ nếu cá nhân, tổ chức vi phạm có một trong hai điều kiện:

Thứ nhất: Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện;

Thứ hai: Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Để được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện đối với tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện. Khi gửi đơn phải gửi kèm bản chính hoặc bản sao (công chứng, chứng thực hoặc có bản chính đối chiếu) sổ hộ khẩu/sổ tạm trú hoặc chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc giấy xác nhận nơi công tác.

Cấp bản sao điện tử

Nghị định 45/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chính thức có hiệu lực từ ngày 22/5/2020. Người dân được yêu cầu cơ quan chức năng cấp bản sao điện tử từ sổ gốc, bản chính các giấy tờ pháp lý thay cho bản sao bằng giấy như hiện nay.

Bản sao điện tử được cấp theo hai cách sau:

Cách 1: Tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp bản sao điện tử từ sổ gốc. Trong trường hợp này, cơ quan đang quản lý sổ gốc căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao điện tử có chữ ký số của cơ quan cho người yêu cầu.

Bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.

Cách 2: Tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Với trường hợp chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thủ tục được thực hiện như sau:

Tổ chức, cá nhân xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để chứng thực bản sao; Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhận lời chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực.

Bên cạnh những chính sách có hiệu lực trong tháng 5/2020, Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã bổ sung thêm rất nhiều quy định mới cũng được nhiều người quan tâm.

Trong đó, nổi bật là việc kỷ luật công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Luật sửa đổi đã quy định cụ thể hình thức xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ cụ thể tại khoản 12, điều 1 Luật sửa đổi năm 2019: Cho thôi việc: Công chức có 2 năm liên tiếp xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ; Bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại: Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 2 năm không liên tiếp trong thời gian bổ nhiệm được xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ; Bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn: Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 3 năm có 2 năm không liên tiếp xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí đang đảm nhận.

Từ 1/7/2020, công chức bị kỷ luật vẫn có cơ hội được bổ nhiệm lại nếu vi phạm ở mức bị khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương.

Khoản 17, điều 1 Luật sửa đổi năm 2019 đã quy định rõ từng hình thức kỷ luật gắn với từng hậu quả riêng. Cụ thể, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực: Công chức bị khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương: Không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng; Công chức bị giáng chức hoặc cách chức: Không bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng; Công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử: Không được bổ nhiệm; Đáng chú ý: Hết thời hạn nêu trên, công chức không vi phạm đến mức bị kỷ luật thì tiếp tục được bổ nhiệm theo quy định.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.36976 sec| 645.984 kb