Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), ngày 3/12/2024, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT TP.Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một điểm kinh doanh đồ uống trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Qua kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện 3.000 lon nước uống tăng lực đang được tiêu thụ trên thị trường mang các dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ của một tập đoàn lớn.
Theo đó, đoàn kiểm tra phát hiện, trên sản phẩm nghi vấn có ghi thông tin được sản xuất tại một cơ sở trên địa bàn thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chiều cùng ngày, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh, các lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra chi nhánh Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm và Nước giải khát VM do ông H.T.Đ làm giám đốc.
Tại thời điểm lực lượng chức năng tới cơ sở kiểm tra, nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Lực lượng chức năng ghi nhận, tại nhà máy đã sản xuất số lượng lớn thành phẩm nước tăng lực mang nhãn hiệu RedBlue, được đóng gói trong các thùng carton cùng nhãn hiệu. Ngoài ra, tại nhà máy còn trữ rất nhiều vỏ lon nước tăng lực chưa qua sử dụng.
Sau khi kiểm đếm, đoàn kiểm tra ghi nhận 2.100 thùng nước tăng lực, tương đương với 50.400 lon nước tăng lực mang nhãn hiệu RedBlue đang chuẩn bị đưa ra thị trường để tiêu thụ, phục vụ dịp Tết 2025. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn phát hiện gần 114.000 vỏ lon nước uống tăng lực mang nhãn hiệu RedBlue và hơn 37.000 vỏ lon nước uống tăng lực mang nhãn hiệu RedBest chưa qua sử dụng.
Lực lượng chức năng nhận định, toàn bộ số hàng hóa được phát hiện tại chi nhánh Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm và Nước giải khát VM có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ của Tập đoàn TCP Thái Lan - nhà sản xuất nước tăng lực Red Bull.
Do đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm.
Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và khoản 7 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, quy định về hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. cụ thể:
Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.