Đáp ứng xu thế tiêu dùng thời đại công nghiệp 4.0, nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam xuất hiện trong vài năm qua đã thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia cũng như sự quan tâm của người tiêu dùng. Những cái tên nổi bật có thể kể đến như Lazada, Shopee, Tiki, Sen Đỏ,… ngày càng trở nên quen thuộc. Không thể phủ nhận, mua sắm online mang lại nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng như nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận thông tin, so sánh giá cả, tiết kiệm thời gian, đặc biệt với những người thích tìm hiểu về đánh giá (review) và sau đó tìm mua ngay trên mạng, trải nghiệm mua sắm khác biệt so với mua sắm trực tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, việc mua sắm qua hình thức này cũng chứa đựng những rủi ro.
Một trong những rủi ro tiềm ẩn lớn nhất mà người mua hàng trực tuyến dễ gặp phải đó là hàng giả, hàng nhái. Với việc phát triển mạnh mẽ của những sàn thương mại điện tử và những kênh bán hàng online hiện nay, trong khi người tiêu dùng luôn có nhu cầu mua sắm hàng hóa chất lượng với giá cả hợp lý, thì tình trạng hàng giả và hàng nhái đang trở thành một thách thức lớn cả với người tiêu dùng và những nhà bán lẻ, phân phối. Hoạt động mua sắm được thực hiện qua phương tiện điện tử và thông qua phương thức này, người tiêu dùng không thể xác định được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Mọi giao dịch được thực hiện trên cơ sở niềm tin, vì vậy, khi gặp người bán không uy tín, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Cuối tháng 3/2021, Đội Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ kho hàng chứa hàng vạn sản phẩm đủ thể loại từ quần áo, giày dép, chăn, gối đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, pin sạc và sách truyện,… do anh Nguyễn Văn Ngọc (SN 1992, trú tại thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội) làm chủ kinh doanh. Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như: Gucci, Chanel, LV, Adidas,... Cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện,… Qua điều tra của lực lượng chức năng, phương thức bán hàng chủ yếu được cơ sở này sử dụng đó là thông qua livestream trên Facebook. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán, tương đương trung bình một ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát nhanh.
Một rủi ro khác mà người tiêu dùng cũng rất dễ gặp phải đó là lừa đảo trực tuyến. Các phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi, người mua khó phân định đúng sai, thật giả, chẳng hạn: Không có kho hàng hay cửa hàng mà chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi, giao hàng với số lượng nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và yêu cầu khách đặt cọc, thanh toán qua trung gian, thậm chí dụ dỗ khách thanh toán hết mới chuyển hàng. Những thủ đoạn này không mới nhưng vẫn dễ khiến khách hàng “sập bẫy” do mất cảnh giác.
Ðiển hình của thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội là trường hợp Facebook có tên “Ngân gốm” đã thâm nhập vào các nhóm trên mạng xã hội chuyên bán hàng như: Mê đồ bếp, Bán hàng EU,… để đăng bán các sản phẩm đồ gia dụng, đồ điện tử và nhiều mặt hàng khác. Nhưng thực tế, đối tượng chỉ bán hàng ảo bằng việc đăng tải hình ảnh copy trên mạng, rồi lừa khách hàng chuyển khoản, sau đó không gửi hàng cho khách. Người thực hiện hành vi là Ðỗ Thị Kim Ngân (trú tại thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tình trạng lộ thông tin cá nhân cũng là một vấn đề được người tiêu dùng hết sức quan tâm khi mức độ bảo mật của các trang thương mại điện tử chưa được kiểm chứng. Khi tạo tài khoản mua sắm trực tuyến, người dùng phải khai hầu hết các thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, nơi ở,… Vì vậy, khả năng thông tin cá nhân bị lấy cắp là rất cao.
An ninh Thủ Đô đưa tin về một vụ việc, tháng 6/2021, anh N.H.T.A (trú tại TP.HCM) đặt mua 1 đôi giày trên gian hàng của một sàn thương mại điện tử với giá 689.000 đồng. Sau đó, anh T.A nhận được liên lạc để giao hàng. Thấy thông tin giao hàng đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị, tin tưởng rằng đây là đơn hàng của mình, nên anh đã nhận hàng và thanh toán tiền. Tuy nhiên, khi bóc kiện hàng ra, anh phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức, anh T.A đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn thương mại điện tử và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy. “Trường hợp này, khách hàng đã bị đánh cắp thông tin cá nhân khi mua hàng. Kẻ xấu lợi dụng để giao cho đơn hàng khác không đúng với chất lượng và giá trị”, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.
Về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Luật sư Lê Hoàng Phúc An - Hệ thống Dịch vụ pháp lý Luật sư X thông tin: “Thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức cho các sàn thương mại điện tử ký cam kết chia sẻ trách nhiệm, minh bạch thông tin doanh nghiệp trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại. Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã quy định hết sức rõ ràng, cụ thể tại các văn bản sau: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Ban Bí thư cũng ban hành 2 chỉ thị có liên quan trực tiếp đến vấn đề này là Chỉ thị 30 ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới”.
Luật sư An cũng nêu ra một vài giải pháp để người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của chính mình khi mua sắm trên không gian mạng. Trước hết, cần tăng cường tính năng bảo mật các tài khoản mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng. Không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ các thông tin có liên quan đến tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản (mã OTP) cho bất kỳ ai.
Thứ hai, khi mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, giao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Để tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua.
Thứ ba, hiện tại, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee hay Lazada, người dùng có thể báo xấu hoặc đánh giá mức độ uy tín của người bán hàng trên các sàn này. Riêng những người bán có điểm phạt cao sẽ bị đánh giá kém uy tín và ít được hỗ trợ khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Với các thông tin vi phạm, các sàn thương mại điện tử phải gỡ bỏ trong vòng 24 giờ sau khi nhận được quyết định từ cơ quan quản lý Nhà nước. Các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ bị gỡ bỏ.
Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần lựa chọn các trang web mua sắm uy tín, có địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng, chú ý đến đánh giá và nhận xét của người dùng trước đó để đánh giá chất lượng của sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, nếu gặp phải các vấn đề phát sinh, người tiêu dùng cần báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng để được giải quyết kịp thời.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.