Trong những năm gần đây, việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua hình thức phát hành trái phiếu đã trở thành một kênh huy động tương đối lớn trong mối tương quan với kênh vay vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như kênh huy động vốn cổ phần thông qua thị trường chứng khoán. Điều này cũng đã đáp ứng đúng theo chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của kênh huy động vốn này đã dẫn đến việc phát sinh những rủi ro, ảnh hướng lớn đến hoạt động của thị trường tài chính. Trong bài viết này, Diễn đàn Pháp luật sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và những rủi ro nhà đầu tư có thể gặp phải khi mua TPDN cùng với định hướng khi đầu tư TPDN sao cho đúng pháp luật.
Trái phiếu doanh nghiệp được hiểu như thế nào?
Trao đổi với PV Diễn đàn Pháp luật, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và các cộng sự cho biết: “Theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Theo đó, TPDN là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành”.
Theo Luật sư Hà, TPDN được phát hành theo 02 hình thức, gồm phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đối với trái phiếu riêng lẻ, mục đích phát hành, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đầu tư cho các chương trình dự án, tăng quy mô vốn hoạt động và tái cơ cấu nợ. Về phương thức phát hành, TPDN được phát hành theo một trong ba phương thức, đấu thầu, bảo lãnh, bán lẻ (chỉ đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng). Đối với TPDN phát hành ra công chúng, điều kiện chào bán, hồ sơ đăng ký chào bán thực hiện theo quy định của Luật chứng khoán và các luật khác có liên quan.
TPDN phát hành ra công chúng được chào bán rộng rãi cho mọi loại hình nhà đầu tư và được Uỷ ban chứng khoán nhà nước cấp phép chào bán, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cụ thể, Luật Chứng khoán năm 2019 (Điều 31), Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Điều 128) và NĐ 153 quy định về nhà đầu tư mua TPDN riêng lẻ như sau: “Đối với trái phiếu không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền, nhà đầu tư mua và giao dịch trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đối với trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, nhà đầu tư mua và giao dịch trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và dưới 100 nhà đầu tư chiến lược”.
Việc phân định rõ nhà đầu tư mua và giao dịch TPDN riêng lẻ với nhà đầu tư mua và giao dịch TPDN chào bán ra công chúng nhằm bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ (nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không được phép mua TPDN riêng lẻ, chỉ được phép mua TPDN chào bán ra công chúng) vì trái phiếu riêng lẻ rủi ro hơn so với trái phiếu chào bán ra công chúng.
Những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi mua TPDN
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc kênh huy động vốn thông qua TPDN phát triển là vậy, tuy nhiên, có không ít rủi ro có thể xảy ra đối với nhà đầu tư khi đầu tư TPDN. Có thể kể đến, hiện nay, có không ít sản phẩm “trái phiếu 3 không” (không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm). Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc chất lượng tài sản bảo đảm kém. Chất lượng tài sản bảo đảm của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản). Như vậy, sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ khó có thể trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và không chứng minh được hiệu quả việc sử dụng vốn sẽ không thể vay được tiền của ngân hàng. Để đối phó với tình trạng này, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhằm thu hút tiền đầu tư của người dân.
Lý giải thêm về việc này, Luật sư Hà cho rằng, TPDN khi phát hành có tài sản bảo đảm, tuy nhiên, những tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường. Theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của TPDN có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp, do đó khi phát sinh vấn đề, việc nhà đầu tư có thể thu hồi được khoản đầu tư vào TPDN là rất khó khăn.
Vừa qua, trên thị trường chứng khoán đã xảy ra vụ việc hủy 09 đợt trái phiếu đã phát hành của 03 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với lý do 03 công ty này có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Như vậy, có thể thấy, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu có đảm bảo được thông tin đã công bố đúng sự thật, khách quan, minh bạch là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc đầu tư của nhà đầu tư. Trường hợp doanh nghiệp có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu có thể dẫn đến hậu quả hủy bỏ đợt phát hành trái phiếu, tác động nghiêm trọng đối với nhà đầu tư.
Lời khuyên cho nhà đầu tư khi đầu tư TPDN
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Getfly Việt Nam chia sẻ: “Ngoài việc cân nhắc kỹ về trái phiếu, thời điểm đầu tư thì nhà đầu tư cần phải lựa chọn tổ chức phát hành có uy tín, đảm bảo khả năng thanh toán thông qua việc nắm bắt, nghiên cứu kỹ hồ sơ doanh nghiệp phát hành và các đơn vị liên quan (tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh thanh toán,..) và đặc biệt việc tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin liên quan đến phát hành TPDN theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành. Bên cạnh đó, sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của DN phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.”
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu… Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro.