Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Nhà đầu tư nên làm gì nếu không thu được tiền từ mua trái phiếu?

Nhà đầu tư nên làm gì nếu không thu được tiền từ mua trái phiếu?
Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định thu hồi 9 đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông chủ của tập đoàn này cùng 6 đồng phạm đã bị bắt giữ. Từ đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc liệu nhà đầu tư mua trái phiếu có thể thu hồi được khoản tiền đầu tư này hay không?

Hiểu thế nào cho đúng về trái phiếu doanh nghiệp và tài sản bảo đảm

Ngay sau khi có Quyết định của UBCKNN, Tân Hoàng Minh đã phản hồi rằng, trường hợp một trong các đợt phát hành này phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước thì Tân Hoàng Minh sẽ làm việc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước để hoàn trả lại số tiền đã huy động cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quy trình để hoàn lại số tiền cho nhà đầu tư là một vấn đề không dễ khi tổng giá trị số trái phiếu bị hủy lên đến 10.030 tỷ đồng. 

Có thể dễ dàng nhận thấy, hầu hết số tiền thu được từ các đợt huy động trái phiếu đã được Tân Hoàng Minh sử dụng cho việc đầu tư hạ tầng, đền bù, chuyển đổi mục đích và các nghĩa vụ tài chính liên quan tới các dự án của mình. Do đó, việc xử lý dòng tiền hoàn trả cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu trong 9 đợt trái phiếu bị hủy sẽ phụ thuộc vào việc xử lý tài sản bảo đảm của Tân Hoàng Minh khi tiến hành thực hiện việc phát hành trái phiếu.

Trước tiên, chúng ta cần xem xét liệu rằng việc 9 đợt phát hành trái phiếu bị hủy có dẫn đến hợp đồng bảo đảm giữa Tân Hoàng Minh và các đơn vị quản lý tài sản bảo đảm có bị vô hiệu hay không? 

Nhà đầu tư nên làm gì nếu không thu được tiền từ mua trái phiếu?
Một dự án bất động sản hạng sang của Tân Hoàng Minh tọa lạc tại quận Cầu Giấy cũng dính nhiều tai tiếng.

Để làm rõ vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà giải thích, về bản chất, trái phiếu là giống như một dạng hợp đồng vay, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn vay từ những người mua trái phiếu (nhà đầu tư) với mục đích tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi cho nhà đầu tư trong khoảng thời gian định kỳ được xác định trước (thường là hàng năm hoặc nửa năm một lần) và trả lại khoản gốc vào ngày đáo hạn để chấm dứt việc nợ. Việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm sẽ đảm bảo được rủi ro khi doanh nghiệp không thanh toán được lãi và khoản gốc cho nhà đầu tư.

“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không có tài sản bảo đảm. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo đó, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Từ đó, có thể thấy rằng Luật Chứng khoán 2019 cùng với Nghị định 153/2020/NĐ-CP hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hay tài sản bảo đảm có chất lượng không cao.” – Luật sư Hà nhấn mạnh.

Quay lại với trường hợp của Tân Hoàng Minh theo tìm hiểu được biết, đối với các đợt phát hành trái phiếu, Tân Hoàng Minh đều có tài sản bảo đảm và có đơn vị đứng ra tổ chức, quản lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp này, hợp đồng về việc quản lý tài sản bảo đảm sẽ được coi là hợp đồng phụ đối với giao dịch mua bán trái phiếu giữa Tân Hoàng Minh và nhà đầu tư. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hợp đồng vô hiệu, theo đó sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp này, mặc dù 9 đợt phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ nhưng hợp đồng về tổ chức, quản lý tài sản bảo đảm giữa Tân Hoàng Minh và đơn vị tổ chức, quản lý tài sản bảo đảm vẫn còn hiệu lực. Như vậy, việc 9 đợt trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ không dẫn đến việc hợp đồng bảo đảm giữa Tân Hoàng Minh và các đơn vị quản lý tài sản bảo đảm bị vô hiệu.

Rủi ro khi đầu tư sai chỗ, nhà đầu tư vẫn có thể thu hồi được tiền

Vậy nhà đầu tư có thể làm gì để thu hồi khoản tiền đầu tư từ Tân Hoàng Minh? Theo Luật sư Hà, nhà đầu tư sẽ có 2 phương án có thể áp dụng. Thứ nhất, nhà đầu tư có thể yêu cầu các đơn vị tổ chức, quản lý tài sản bảo đảm xử lý tài sản của Tân Hoàng Minh đối với từng đợt phát hành trái phiếu. Trường hợp tài sản thế chấp thuộc sở hữu của Tân Hoàng Minh và có thể xử lý được thì khi đó nhà đầu tư có thể yêu cầu đơn vị tổ chức, quản lý tài sản bảo đảm xử lý tài sản của Tân Hoàng Minh để thanh toán khoản lãi và gốc tiền đầu tư. 

Thứ hai, trong trường hợp tài sản bảo đảm của Tân Hoàng Minh là những tài sản rất khó đoán định khả năng thanh toán như cổ phần, quyền sử dụng đất, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư là phần xây dựng hình thành trong tương lai, quyền tài sản của công ty phát hành trái phiếu được phát sinh từ hợp đồng hợp tác với đối tác hoặc khả năng thanh toán tài sản bảo đảm của Tân Hoàng Minh là không cao, bởi câu chuyện bỏ cọc sau khi đấu giá thành công lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì các dự án bất động sản liên quan đến Tân Hoàng Minh cũng sẽ khó đẩy nhanh mua bán bởi giới đầu tư bất động sản có nhiều lo ngại. 

Trong trường hợp này, sau khi hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày UBCKNN quyết định áp dụng thu hồi 9 đợt phát hành trái phiếu, Tân Hoàng Minh chưa tiến hành thanh toán khoản lãi và gốc cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư có quyền yêu cầu toà án mở thủ tục phá sản căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật phá sản 2014. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ áp dụng khi nhà đầu tư không có bảo đảm hoặc chỉ được bảo đảm một phần. Sau khi được toà án chấp nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản, tài sản của doanh nghiệp sẽ được phân chia theo thứ tự như chi phí phá sản, khoản nợ lương, trợ cấp, khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ, khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản không đủ thanh toán nợ. Như vậy, trường hợp hết thời hạn thanh toán khoản nợ theo quy định, Tân Hoàng Minh không thực hiện việc thanh toán khoản nợ và nhà đầu tư không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần thì nhà đầu tư có quyền yêu cầu toà án mở thủ tục phá sản.

Như vậy, việc nắm rõ thông tin về trái phiếu là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc cơ bản là lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Do đó, nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng khi đánh giá rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm hạn chế những tình huống có thể xảy ra trong việc phải “chạy theo” xử lý hậu quả của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định và đảm bảo được quyền và lợi ích của mình khi tham gia giao dịch mua bán trái phiếu.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.31341 sec| 658.609 kb