Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hình phạt nào cho hành vi làm giả và sử dụng giấy tờ giả mạo cơ quan nhà nước?

Hình phạt nào cho hành vi làm giả và sử dụng giấy tờ giả mạo cơ quan nhà nước?
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá nhiều đường dây làm giả giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, thậm chí giả mạo trang web của cơ quan nhà nước để phục vụ cho hành vi trái pháp luật. Vậy những đối tượng làm giả và sử dụng giấy tờ giả mạo cơ quan nhà nước sẽ phải đối mặt với hình phạt nào?

Tiền Phong đưa tin, trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại Quốc lộ 4A, thuộc địa phận thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, Công an huyện Văn Lãng kiểm tra phương tiện xe mô tô mang biển kiểm soát 12V-180.58 do Dương Công Vững (SN 1982, trú tại xã Nhất Hoà, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) điều khiển. Tổ công tác phát hiện giấy chứng nhận đăng ký xe có dấu và chữ ký giả của nguyên lãnh đạo Công an huyện Văn Lãng. Lực lượng chức năng đã triệu tập Dương Ngọc Sơn (SN1989, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) là đối tượng có liên quan đến hành vi mua, bán giấy tờ xe giả trên.

Hình phạt nào cho hành vi làm giả và sử dụng giấy tờ giả mạo cơ quan nhà nước?
Hai đối tượng Dương Công Vững và Dương Ngọc Sơn khai nhận đã tham gia mua giấy tờ mô tô giả. Ảnh: Tiền Phong.

Mở rộng điều tra, ngày 8/8, công an phát hiện Linh Văn Hải (SN 1975, trú tại xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) đang ở địa phương nhận một bưu phẩm, bên trong là giấy đăng ký xe mô tô biển kiểm soát 12X1-125.67 được đóng dấu và có chữ ký giả của nguyên lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn. Tại cơ quan công an, các trường hợp trên khai do không có giấy đăng ký xe bản gốc nên đã đặt một người đàn ông ở TP.HCM làm giả giấy đăng ký xe với giá từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/giấy.

Theo Zing News, đầu năm 2022, trong quá trình trinh sát nắm địa bàn, Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6) Phòng Cảnh sát (CSHS) Công an TP.Hà Nội phát hiện trên một số trang mạng như có nhiều tài khoản cá nhân Fanpage group đăng công khai nội dung cung cấp giấy phép lái xe máy, giấy phép lái xe ôtô các loại. Lực lượng chức năng đã điều tra có ít nhất 5 nhóm ở Hà Nội, Nam Định và TP.HCM tổ chức sản xuất giấy phép lái xe giả. Tổng cộng có 51 người đã bị bắt giữ và triệu tập đến cơ quan công an vì có liên quan đến các hoạt động sản xuất giấy phép lái xe giả.

 

Hình phạt nào cho hành vi làm giả và sử dụng giấy tờ giả mạo cơ quan nhà nước?
Các đối tượng tại cơ quan chức năng. Ảnh: Zing News.

Danh tính của các đối tượng đứng đầu các ổ nhóm được dựng lên như sau: Phạm Văn Vũ (SN 1997); Đỗ Văn Phúc (SN 1988); Lưu Công Chí (SN 1993) cùng trú tại xã Giao Yến; Hoàng Quang Duy (SN 1996) trú tại xã Quyết Tiến, huyện Giao Thủy; Trần Văn Công (SN 1997) trú tại phường Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Trong vòng chưa đầy 2 năm, nhóm này in ấn bản trót lọt ra thị trường là gần 80.000 chiếc, thu lợi bất chính khoảng 20 tỷ đồng. Hàng tháng trừ chi phí, đối tượng cầm đầu các nhóm “bỏ túi” từ 500 đến 600 triệu đồng.

Thậm chí, thủ đoạn của các đối tượng còn tinh vi hơn khi giả mạo website của Báo Giao thông nhằm chiếm được lòng tin của khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Báo Giao thông cho biết: “Khi phóng viên kết nối với đối tượng rao bán GPLX thì nhận được hết sức tận tình rằng nếu không muốn đi thi, trung tâm có người thi hộ, bằng là bằng thật, có thể kiểm tra số GPLX bằng cách vào trang web Báo Giao thông sau đó tra cứu trong mục Tra cứu thông tin giấy phép lái xe sẽ thấy”.

Hình phạt nào cho hành vi làm giả và sử dụng giấy tờ giả mạo cơ quan nhà nước?
Website giả mạo Báo Giao thông điện tử có thiết kế khá tinh vi hòng lừa đảo, bán GPLX giả. Ảnh: Báo Giao thông.

Trước những sự việc trên, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa đến từ Văn phòng Luật sư X (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: “Trước hết phải khẳng định rằng hành vi làm giả giấy tờ, giả mạo website của cơ quan nhà nước là hành vi trái pháp luật. Người thực hiện hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước có thể bị xử phạt hành chính trong trường hợp chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử phạt cũng cần phải xem xét trên hành vi cụ thể, bởi hiện nay việc xử phạt chỉ được quy định trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, hành vi làm giả hộ chiếu, giấy thông hành nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo Điều 18 NĐ 144/2021/NĐ-CP. Hành vi làm giả CMND, thẻ CCCD hoặc giấy xác nhận số CMND nhưng không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo Điều 10 NĐ 144/2021/NĐ-CP”.

Hình phạt nào cho hành vi làm giả và sử dụng giấy tờ giả mạo cơ quan nhà nước?
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc Văn phòng Luật sư X.

Cũng theo Giám đốc văn phòng Luật sư X, trong trường hợp thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất tới 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng.

Vậy người sử dụng giấy tờ giả mạo cơ quan nhà nước sẽ phải chịu hình phạt gì? Luật sư Nghĩa cho rằng trường hợp người sử dụng giấy tờ giả của cơ quan nhà nước mà bị phát hiện thì xử lý như thế nào phụ thuộc chính vào việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu qua xác minh, điều tra, truy tố, xét xử mà có căn cứ để xác định giấy tờ giả đó do họ làm ra và sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo điều 341 BLHS.

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.52058 sec| 658.586 kb