Liên quan đến vụ việc chị T.N.L (29 tuổi, trú Hà Nội) bị Triệu Tạ Mềnh (31 tuổi, trú xã Thông Nguyên, H.Hoàng Su Phì, Hà Giang) hiếp dâm khi đi du lịch và nghỉ tại homestay Hoàng Su Phì bungalow. Ngày 21/9, Công an H.Hoàng Su Phì đã tạm giữ hình sự nghi phạm. Cùng ngày, VKSND H.Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) đã phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Triệu Tạ Mềnh để làm rõ tội hiếp dâm.
Theo chị L. chia sẻ trên báo chí những ngày gần đây, sau khi vụ việc xảy ra, người nhà nghi phạm muốn thương lượng để hòa giải, nhưng chị đã không đồng ý thỏa hiệp. Chị nói có một người tự xưng là người nhà của đối tượng Triệu Tạ Mềnh nhắn tin và đưa ra con số 80 triệu đồng để im lặng. Thậm chí họ còn có ý đe doạ nhà nghi phạm nghèo, Mềnh có thể làm liều tìm đến việc tự tử.
Giả thiết được nhiều người đặt ra nếu cô gái đồng ý nhận tiền và rút đơn, kẻ phạm tội liệu có bị khởi tố không? Trao đổi với Diễn đàn Pháp luật, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa đến từ văn phòng Luật sư X chia sẻ: “Ở đây, chúng ta sẽ xét căn cứ theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì có quy định về những tội phạm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại.
Cụ thể, tại điều 155, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất hoặc đã chết. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.
Tuy nhiên, chỉ khi tội phạm vẫn còn đang ở trong khoản 1 của điều luật đó, tức là ở đây có thể hiểu đơn giản là chỉ khi tội phạm này vẫn đang trong khung hình phạt nhẹ nhất. Và trong trường hợp mà người bị hại đã rút đơn thì lúc này cơ quan có thẩm quyền buộc phải dừng lại, phải bị đình chỉ.
Nếu người nhà chủ homestay có hành vi bao che cố tình ra giá thương lượng với nạn nhân. Theo Luật sư Nghĩa, nếu trường hợp đó xảy ra và đúng như những gì nạn nhân chia sẻ trên báo chí, chủ homestay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm theo Điều 389 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 5 năm.
Luật sư Nghĩa nêu quan điểm, ở đây có thể khẳng định hành vi hiếp dâm dù với bất cứ đối tượng nào thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật và thiếu đạo đức khi không chỉ xâm phạm thân thể mà còn làm tổn thương tinh thần của nạn nhân. Chính vì vậy, đối với hành vi này pháp luật sẽ có mức xử phạt nghiêm minh. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về mức xử phạt của tội hiếp dâm với 3 khung hình phạt khác nhau tùy vào mức độ độ vi phạm.
“Thứ nhất, đối với hành vi thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Còn đối với trường hợp phạm tội đối với người từ đủ 16-18 tuổi thì mức phạt sẽ rơi vào 5-10 năm. Thứ hai, nếu phạm tội thuộc 1 trong những trường hợp như có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, làm nạn nhân có thai hay tổn thương sức khỏe của nạn nhân từ 31-60% thì sẽ phải ngồi tù từ 7-15 năm. Cuối cùng, mức xử phạt kịch khung là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội trong trường hợp làm tổn thương sức khỏe của nạn nhân từ 61% trở lên, hay biết mình có các bệnh truyền nhiễm như HIV mà vẫn phạm tội hoặc làm nạn nhân tự sát”, Luật sư Nghĩa nhấn mạnh.