Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Người thứ 3 'nương tựa' đàn ông đang có vợ bị xử lý hình sự không?

Người thứ 3 'nương tựa' đàn ông đang có vợ bị xử lý hình sự không?
Với mỗi hành vi vi phạm đến chế độ hôn nhân một vợ một chồng, tùy từng mức độ sẽ phải chịu chế tài tương ứng; nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyên tắc “một vợ một chồng” là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ gia đình tại Việt Nam, nhằm bảo vệ các bên trong quan hệ hôn nhân hiện nay. Vậy, hành vi nào bị cho là làm vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng? Khi một bên vi phạm thì sẽ bị xử phạt dưới hình thức ra sao?

Giải đáp vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Theo khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình bao gồm: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”.

Người thứ 3 'nương tựa' đàn ông đang có vợ bị xử lý hình sự không?
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Như vậy, “một vợ một chồng” là một trong những nguyên tắc cơ bản hàng đầu của chế độ hôn nhân và gia đình. Theo đó, cá nhân đã kết hôn chỉ được có một vợ hoặc một chồng và trong thời kì hôn nhân không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.

Vậy thế nào là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng? Luật sư Bình chỉ rõ: Theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: “Đang có vợ/chồng mà kết hôn với người khác; Đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ/chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Chưa có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.

“Như vậy, vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng là việc một người trong thời kì hôn nhân kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với một người thứ ba ngoài vợ/chồng hiện tại”, Luật sư Bình nói.

Tùy vào mức độ vi phạm mà người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng của Bộ luật hình sự.

Về xử phạt vi phạm hành chính: Ngày 15/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp; hợp tác xã. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2020.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

Người thứ 3 'nương tựa' đàn ông đang có vợ bị xử lý hình sự không?
Hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm (Ảnh minh họa).

Về xử lý hình sự Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng, theo khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

“Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Theo khoản 2 Điều 182 Bộ luật này, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: “Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.

Như vậy, hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng gây ra những hậu quả quy tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 thì phải chịu hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

“Nguyên tắc một vợ một chồng là nguyên tắc bình đẳng, tiến bộ trong hôn nhân, được Nhà nước bảo hộ và tạo điều kiện thực hiện. Vì vậy, với mỗi hành vi vi phạm đến chế độ hôn nhân một vợ một chồng, tùy từng mức độ sẽ phải chịu chế tài tương ứng”, Luật sư Bình cho hay.

Theo Đời sống và Pháp luật

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24011 sec| 647.102 kb