Học sinh, giáo viên được sử dụng điện thoại trong lớp
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/11. Theo điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đi kèm với thông tư 32, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy trên lớp. Đồng thời, học sinh cũng được phép sử dụng điện thoại trong giờ để phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép.
Cũng từ ngày 1/11, các loại sổ, sách của giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng được giảm bớt, chỉ còn: Kế hoạch giáo dục của giáo viên theo năm học; Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.
Tăng số lượng Phó Giám đốc sở
Nghị định 107/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có hiệu lực từ ngày 25/11, quy định bình quân mỗi sở có 3 Phó Giám đốc (trước đây quy định số lượng Phó Giám đốc sở không quá 3 người).
Riêng TP.Hà Nội và TP. HCM, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc (trước đây, số lượng Phó Giám đốc các sở thuộc Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội và Ủy ban nhân dân TP.HCM không quá 4 người).
Ép buộc người khác uống rượu bia bị phạt đến 3 triệu đồng
Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế lần đầu đưa ra các mức phạt mới như như phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; phạt từ một đến 3 triệu đồng nếu ép buộc người khác uống rượu bia...
Ngoài ra, nghị định cũng quy định xử phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.
Đặc biệt phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi mở mới điểm bán rượu, bia gần cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, cơ sở giáo dục phổ thông.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/11.
Thêm tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức
Nghị định 106/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 15/11.
Theo Nghị định trên, ngoài phân loại theo khối lượng công việc như trước, từ 15/11/2020, vị trí việc làm của công chức còn được phân theo tính chất, nội dung công việc, gồm: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Lương giảng viên cao đẳng sư phạm ra sao?
Từ ngày 20/11, việc bổ nhiệm, xếp lương đối với giáo viên giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập sẽ được áp dụng theo Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT .
Theo đó, mức lương của giảng viên cao đẳng sư phạm như sau:
Giảng viên cao cấp: Hệ số lương từ 6.2 đến 8.0 (tương ứng mức lương từ hơn 9,2 - 11,92 triệu đồng/tháng);
Giảng viên chính: Hệ số lương từ 4.4 đến 6.78 (tương ứng mức lương từ 6,5 - hơn 10 triệu đồng/tháng)
Giảng viên hạng III: Hệ số lương từ 2.34 đến 4.98 (tương ứng mức lương từ 3,4 - hơn 7,4 triệu đồng/tháng).