Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Những tình huống pháp lý trong vụ xe Ferrari va chạm với xe máy khiến một người chết

Những tình huống pháp lý trong vụ xe Ferrari va chạm với xe máy khiến một người chết
Qua quá trình trích xuất camera, cơ quan chức năng phát hiện người đàn ông bước ra khỏi chiếc Ferrari và rời đi sau khi lái xe gây tai nạn làm một người chết tại chỗ. Vậy pháp luật quy định như thế nào về chế tài xử phạt dành cho người lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường trong vụ việc trên?

Liên quan đến sự việc Ferrari 488 va chạm với xe máy khiến một người tử vong xảy ra vào rạng sáng ngày 31/10 tại đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hà Nội đã tiếp nhận xử lý vụ việc.

Theo VietNamNet, cơ quan chức năng cho biết, bước đầu đã có kết quả trích xuất camera. “Trích xuất camera, cho thấy hình ảnh một người đàn ông bước ra khỏi chiếc Ferrari ở cửa bên ghế lái sau đó rời đi. Chúng tôi đã có cụ thể về vụ việc”, đại diện lực lượng chức năng nói. 

Liên quan đến hình ảnh một cô gái trẻ ngồi ở vị trí lái của xe, vị này nhận định, không loại trừ khả năng cô gái trên ô tô di chuyển sang ghế lái để bước ra ngoài do cửa ra phía bên kia bị hỏng, tình tiết này khiến nhiều người hiểu nhầm cô gái là tài xế.

Những tình huống pháp lý trong vụ xe Ferrari va chạm với xe máy khiến một người chết
Hình ảnh cô gái ngồi ở vị trí ghế lái được lan truyền trên mạng . Ảnh: Tiền Phong.

Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng đã lấy mẫu vân tay trên vô lăng để có kết quả khẳng định chính xác về người cầm lái. Cũng theo Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an Hà Nội, cô gái trẻ đi trên xe Ferrari khai nhận là ngồi cùng xe và không cầm lái. Báo cáo ban đầu cũng viết, người cầm lái chiếc xe là anh V. (trú tại phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Trước đó, khoảng 3h45 ngày 31/10, xe Ferrari 488 màu đỏ đi trên đường Lê Quang Đạo hướng đi sân vận động Mỹ Đình. Tới đoạn trước cổng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ô tô này xảy ra va chạm với xe máy biển kiểm soát 29T1 do ông Lê Đình Hới (sinh năm 1964, ở Phú Lương, Hà Đông) điều khiển. Xe máy đi cùng chiều phía trước ô tô. CSGT cho hay, vụ tai nạn khiến ông Hới tử vong tại chỗ. Xe Ferrari nát đầu còn chiếc xe máy biến dạng, đổ giữa đường.

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X cho biết: “Trường hợp lái xe trong trạng thái tỉnh táo mà gây tai nạn giao thông đến mức truy cứu trách nhiệm thì người gây tai nạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS, người điều khiển xe trong vụ việc này có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Những tình huống pháp lý trong vụ xe Ferrari va chạm với xe máy khiến một người chết
Luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X.

Cũng theo Luật sư Đoàn, trường hợp lái xe gây tai nạn không tỉnh táo do sử dụng rượu bia mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy, các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng gây tai nạn giao thông đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 2, theo đó khung hình phạt đối với trường hợp này lên đến 10 năm tù. Bên cạnh đó, đối với hai trường hợp nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Vậy liệu rằng lái xe gây tai nạn chết người, bỏ trốn khỏi hiện trường có phải là tình tiết tăng nặng theo quy định của pháp luật hay không? Giải đáp câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Đoàn nêu quan điểm: “Điều 52 Bộ luật Hình sự quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong đó bao gồm: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; Phạm tội có tính chất côn đồ; Phạm tội vì động cơ đê hèn; Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm,... Hành vi cố ý bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông không thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 52 Bộ luật Hình sự nhưng là một tình tiết tăng nặng định khung hình phạt được quy định tại điểm c, khoản 2, điều 260 Bộ luật Hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khi có hành vi cố ý bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì người phạm tội có thể đối mặt với khung hình phạt lên tới 10 năm tù”.

Điều 260 BLHS. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37795 sec| 658.656 kb