Luật sư Nguyễn Hải Nam, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Theo quy định tại điểm c khoản 3 Nghị quyết 35/2000/QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình: "Kể từ ngày 1-1-2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng, nếu có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 điều 17 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết".
Như chị trình bày, nếu hai bên không đăng ký kết hôn tại UBND xã, phường, thị trấn (kết hôn không có yếu tố nước ngoài) thì pháp luật không công nhận là vợ, chồng. Tức về bản chất, hai người không phải là vợ chồng, cho nên không phải thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định chung.
Ngoài yêu cầu cho ly hôn, nếu có yêu cầu về con hoặc tài sản thì tòa án sẽ giải quyết theo quy định tại điều 14, 15, 16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: "… Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập".
Theo Người Lao Động