Bộ Công an mới đây đã ban hành Thông tư 17/2024/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023.
Theo Thông tư 17/2024/TT-BCA, căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng hình ảnh thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực và thông tin khác được lưu trữ, tích hợp vào căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng ký tự. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an tạo lập ký hiệu riêng để xác thực bảo đảm tính chính xác, toàn vẹn theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Căn cước điện tử được truy cập, sử dụng thông qua tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia; được cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin có liên quan đến việc cấp, quản lý, tích hợp thông tin trên thẻ căn cước.
Thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi thường trú của người được cấp thẻ căn cước.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú nhưng có nơi tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi tạm trú của người được cấp thẻ.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người được cấp thẻ.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có thông tin về nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú. Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo.
Ngoài ra, Thông tư 17/2024/TT-BCA cũng quy định về thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng định danh quốc gia có trách nhiệm:
- Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu về cơ quan, tổ chức, cá nhân khi đồng ý sử dụng ứng dụng định danh quốc gia.
- Không sử dụng tài khoản định danh điện tử, căn cước điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật, xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
- Không được can thiệp trái phép vào hoạt động của ứng dụng định danh quốc gia. Tuân thủ hướng dẫn sử dụng ứng dụng định danh quốc gia do cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an ban hành.
Đối với cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có trách nhiệm:
- Áp dụng các biện pháp bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp trong quá trình phát triển, quản lý ứng dụng định danh quốc gia theo quy định của pháp luật.
- Chỉ sử dụng dữ liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp khi sử dụng ứng dụng định danh quốc gia đúng với phạm vi, mục đích, chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng định danh quốc gia biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.