Theo đó, Nghị định tập trung hướng dẫn về ký kết hợp đồng mua bán điện, trách nhiệm giữa bên mua và bên bán cũng như quy định cụ thể về ghi chỉ số đo điện năng.

Theo Nghị định, việc ký kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý. Người ký hợp đồng phải là đại diện hợp pháp hoặc được ủy quyền của bên mua và bên bán điện. Trong trường hợp nhiều hộ dùng chung điện, cần có đại diện đứng tên ký kết hợp đồng kèm theo danh sách các hộ dùng chung và văn bản ủy quyền.
Nếu người mua điện là người thuê nhà, chủ sở hữu nhà phải cam kết thanh toán tiền điện trong trường hợp người thuê không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Mỗi hộ gia đình chỉ được phép ký một hợp đồng mua điện tại một địa điểm.
Hồ sơ đề nghị giao kết hợp đồng có thể nộp bằng văn bản giấy hoặc thông qua hình thức điện tử, bao gồm các tài liệu xác minh danh tính và quyền sử dụng địa điểm mua điện. Bên bán điện có trách nhiệm cấp điện cho bên mua trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Nghị định nêu rõ, bên mua điện là khách hàng sử dụng điện có sản lượng tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên theo đăng ký tại hợp đồng mua bán điện có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.
Trường hợp sản lượng điện tiêu thụ bình quân đăng ký tại hợp đồng mua bán điện thấp hơn mức này nhưng sản lượng điện tiêu thụ thực tế bình quân 12 tháng gần nhất từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên, bên mua điện có trách nhiệm phối hợp với bên bán điện sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện đã ký trước đó.
Hàng năm, bên bán và bên mua thỏa thuận giá trị thực hiện bảo đảm hợp đồng phù hợp với sản lượng điện bình quân sử dụng thực tế trong 12 tháng trước liền kề.
Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận trong phạm vi dải giá trị từ 10 đến 15 ngày tiền điện, được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện hoặc sản lượng điện tiêu thụ thực tế bình quân 12 tháng gần nhất và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng.
Biện pháp, hình thức, hiệu lực bảo đảm, quyền và nghĩa vụ trong việc bảo đảm hợp đồng do các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mua bán điện, khuyến khích việc thực hiện biện pháp bảo lãnh qua ngân hàng.
Đối với việc mua bán điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt, bên bán điện ghi chỉ số đo điện năng mỗi tháng 1 lần vào ngày cố định do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng, có nguy cơ mất an toàn cho người lao động quy định trong hợp đồng mua bán điện.
Nghị định cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số đo điện năng trước hoặc sau 1 ngày so với ngày ấn định hoặc dịch chuyển theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.
Đối với việc mua bán điện sử dụng ngoài mục đích sinh hoạt, bên mua và bên bán được phép thỏa thuận số lần ghi chỉ số đo điện năng trong tháng. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, việc ghi chỉ số đo điện năng được quy định căn cứ vào sản lượng điện tiêu thụ bình quân đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Cụ thể:
- Dưới 50.000 kWh/tháng, ghi chỉ số 1 lần/tháng.
- Từ 50.000 đến 100.000 kWh/tháng, ghi chỉ số 2 lần/tháng.
- Trên 100.000 kWh/tháng, ghi chỉ số 3 lần/tháng.
Trường hợp sản lượng điện tiêu thụ thực tế bình quân của bên mua điện cho mục đích ngoài sinh hoạt trong 3 tháng gần nhất vượt quá hoặc thấp hơn các ngưỡng tiêu thụ tương ứng với số lần ghi chỉ số đang áp dụng theo quy định, bên bán và bên mua có quyền thỏa thuận để điều chỉnh số lần ghi chỉ số điện năng.
Nếu bên mua điện sử dụng điện năng ít hơn 15 kWh/tháng, chu kỳ ghi chỉ số đo điện năng do hai bên thỏa thuận.
Đối với việc mua bán điện, việc ghi chỉ số đo điện năng do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng. Bên bán điện phải bảo đảm tính chính xác của chỉ số đo điện năng đã ghi.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 8/2/2025.