Về vấn đề này, Điều 10 Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) quy định về sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán như sau:
1. Chủ tài khoản thanh toán được sử dụng tài khoản thanh toán của mình để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán hợp lệ. Chủ tài khoản thanh toán có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của mình theo thỏa thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản thanh toán.
2. Chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán. Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản, phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền.
3. Chủ tài khoản thanh toán có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và tuân thủ các quy định về mở, sử dụng, ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và phải đảm bảo có đủ tiền (số dư Có) trên tài khoản thanh toán để thực hiện lệnh thanh toán đã lập trừ trường hợp có thỏa thuận cho vay thấu chi với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
4. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời lệnh thanh toán hợp lệ của chủ tài khoản thanh toán.
5. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán khi lệnh thanh toán không hợp lệ hoặc có cơ sở pháp lý để xác định chủ tài khoản vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 nghị định này hoặc khi tài khoản thanh toán không đủ tiền trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo lý do từ chối cho chủ tài khoản thanh toán.
Như vậy, từ ngày 1/7/2024, việc sử dụng tài khoản thanh toán được thực hiện theo quy định như trên.
Các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán từ 1/7/2024
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng cũng như nêu rõ các trường hợp khách hàng sẽ bị phong tỏa tài khoản thanh toán.
Cụ thể, tài khoản ngân hàng bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.
Thứ hai là trường hợp khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Thứ ba là khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Trường hợp thứ tư là khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán được thực hiện:
- Theo thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
- Khi có quyết định chấm dứt phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền quy định tại điểm 3 ở trên.
- Khi có yêu cầu chấm dứt phong tỏa của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Nghị định nêu rõ tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.