Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước số 26/2023/QH15 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Tại điểm d, khoản 1, Điều 16, Luật Căn cước số 26/2023/QH15 quy định về việc thu thập ADN, giọng nói như sau:
Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Khi có thêm những thông tin về dữ liệu sinh trắc này sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, truy nguyên, nhận dạng. Từ đó, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phòng, chống tội phạm và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Như vậy, từ ngày 1/7/2024, trong thủ tục cấp căn cước, người tiếp nhận buộc phải thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp căn cước. Còn thông tin ADN, giọng nói là không bắt buộc.
Thông tin ADN, giọng nói được cung cấp dựa vào sự tự nguyện của người dân hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định mới phải cung cấp ADN, giọng nói.
Về vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) khẳng định đều được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.
Hồ sơ đề nghị thu thập ADN
Nghị định 70 năm 2024 quy định rõ về trình tự, thủ tục thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào Cơ sở dữ liệu về căn cước.
Theo đó, công dân nộp hồ sơ đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào Cơ sở dữ liệu căn cước đến cơ quan quản lý căn cước.
Hồ sơ đề nghị gồm: phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước; giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý xác thực kết quả xét nghiệm, phân tích, lưu trữ thông tin sinh trắc học về ADN của cơ quan, tổ chức.
Trường hợp thông tin sinh trắc học về ADN của công dân đã có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị của công dân, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, đối sánh và xác thực đảm bảo tính chính xác của thông tin trước khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Nếu thông tin sinh trắc học về ADN của công dân chưa có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức quy định thì cơ quan quản lý căn cước thông báo cho công dân bằng văn bản, nêu rõ lý do và hướng dẫn công dân thực hiện thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức.
Minh Hoa (T/h)/ Người Đưa tin