Những ngày gần đây, dư luận đang quan tâm đến sự việc một phụ huynh - bà Trần Hà Thủy (tên gọi khác Thủy Bi) tố con mình bị bạo lực học đường tại một trường quốc tế TP.HCM ở An Phú, TP.Thủ Đức.
Theo bà Thủy, ngày 26/5, con bà bị đánh bởi một nữ sinh khóa trên trong khuôn viên nhà trường nhưng lại không có thầy cô hay bảo vệ can ngăn, có 3 học sinh khác vào bảo vệ con bà nhưng cũng bị nữ sinh này đánh. Cả 4 em bị sang chấn tâm lý, khóc nhiều, hoảng loạn, tức ngực, người nhiều vết xước, bầm tím.
Trong buổi livetream tối ngày 30/5, bà Trần Hà Thủy tường thuật lại buổi làm việc với đại diện trường quốc tế nơi con bà đang theo học. Bà Thủy khẳng định, nhà trường đã xác nhận con bà bị bạn học cào, đấm đồng thời cuộc ẩu đả xảy ra ngay trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, nhà trường từ chối gửi thông cáo báo chí xác nhận sự việc nêu trên khi bà Thủy yêu cầu.
Bà Thủy cho biết, đến thời điểm hiện tại, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung và bà Thủy đưa ra yêu cầu: “Nhà trường hoàn lại tiền học cho con tôi những ngày học còn lại. Nếu tính ra là một năm 600 triệu thì học khoảng một trăm tám mấy ngày thôi. Do một năm học bên cơ sơ quốc tế chỉ có 184 ngày, nếu các bạn chia đều thì sẽ biết mỗi ngày tốn bao nhiêu tiền…. Tôi yêu cầu nhà trường hỗ trợ tôi rút hồ sơ, học bạ cho con tôi để chuyển đi nơi khác một cách hợp pháp".
Trả lời câu hỏi Thủy Bi có được hoàn lại tiền học phí đã đóng cho con hay không? Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, văn phòng Luật sư X cho biết: “Theo quy định tại điều 25 nghị định số 46/2017/NĐ-CP, để có thể thành lập trường tư thục thì đơn vị chủ quản của trường phải nộp đề án thành lập trường bao gồm: Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường. Trong đó, mục tài chính sẽ đề cập tới số tiền học mà phụ huynh đóng hằng năm, quỹ tiền học đó sẽ được dùng vào cho những mục đích gì,…
Nếu trong đề án có quy định về các trường hợp phụ huynh được phép rút lại học phí, và học sinh chuyển trường do bị bạo lực học đường là một trong các trường hợp đó thì chị Hà Thủy hoàn toàn có cơ sở để rút lại được số tiền học đã đóng. Ngược lại, nếu trong đề án đó không có quy định rõ ràng có lẽ yêu cầu của chị Thủy khó được đáp ứng. Tuy nhiên, thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường là một dạng hợp đồng liên quan tới giáo dục, nên nếu lúc này chị Thủy cảm thấy không thỏa đáng thì hoàn toàn có thể khởi kiện ra cơ quan có thẩm quyền”.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cũng khẳng định bạo lực học đường là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người khác. Để có thể bảo vệ con em mình, phụ huynh hoàn toàn có quyền chuyển trường mới cho con nếu cảm thấy việc con mình tiếp tục học tại trường cũ không còn an toàn, phù hợp nữa. Phía nhà trường có trách nhiệm và nghĩa vụ hỗ trợ phụ huynh và học sinh trong các thủ tục rút học bạ, hồ sơ để chuyển trường. Nếu nhà trường có hành vi gây khó dễ, cản trở học sinh, phụ huynh không rút được học bạ và gây ra những thiệt hại, đồng thời, phụ huynh chứng minh được những thiệt hại đó thì phụ huynh học sinh có quyền khởi kiện tới cơ quan có thẩm quyền theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi lại quyền lợi và mức bồi thường hợp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
“Cuối năm 2021, một hiệu trưởng trường cấp I tại Đắk Nông đã bị cách chức do “giam giữ” học bạ của một học sinh dẫn đến học sinh này không thể chuyển cấp. Sự việc này cũng gây bức xúc dư luận thời điểm đó”, luật sư Nghĩa chia sẻ thêm.