Luật sư Phạm Quốc Bảo, Công ty Luật Bảo Ngọc, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay:
Điều 2, Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 quy định 7 trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con:
1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);
b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.
7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Như vậy, nếu sinh con thứ 3 mà thuộc một trong 7 trường hợp nêu trên thì không bị kỷ luật.
Ngược lại, việc kỷ luật khiển trách sẽ căn cứ khoản 9, Điều 8, Nghị định 112/2020/NĐ-CP về việc cán bộ công chức sinh con thứ ba, vi phạm về quy định của pháp luật về dân số.
Ngoài ra, cán bộ có thể bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên lên 6 tháng (theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 08/2023/TT-BNV, sửa đổi bởi khoản 5 Điều 3 Thông tư 03/2021/TT-BNV).
Tóm lại, nếu công chức vi phạm về việc sinh con thứ ba, sẽ bị kỷ luật khiển trách và có thể sẽ bị kéo dài 6 tháng tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định.
Theo Đời sống và Pháp luật