Đáng lên án và vi phạm pháp luật
Chiều 27/5, tại cầu Hao Hao, thuộc địa phận xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa xảy ra sự việc hi hữu gây chấn động dư luận. Khoảng 17h50 cùng ngày, chị Hà Thị B., trú tại thôn Thúy Vân, xã Hải Nhân ôm 2 đứa con nhỏ nhảy từ cầu xuống sông tự tử.
Rất may, một số người dân địa phương chứng kiến sự việc đã hô hoán kêu cứu. Trên đường đi làm về, ba công nhân của công ty Môi trường Nghi Sơn và hai người dân địa phương đã kịp thời nhảy xuống sông ứng cứu, đưa ba mẹ con chị B. lên bờ.
Do được phát hiện và ứng cứu kịp thời nên sức khỏe của ba mẹ con chị B. không bị tổn hại nghiêm trọng.
Sau khi sự việc được mạng xã hội Facebook và báo chí đăng tải đã thu hút được sự quan tâm, bình luận, chia sẻ của cộng đồng mạng và người dân. Xung quanh sự việc này có nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Một số người cảm thấy xót xa, cảm thông với việc làm của chị B. khi họ cho rằng chắc phải có một áp lực, sự khổ tâm rất lớn thì người mẹ mới ôm hai con nhảy cầu quyên sinh. Một luồng ý kiến khác lại lên án hành động dại dột, mù quáng, cực đoan của người mẹ trẻ. Theo họ, dù gặp bất cứ chuyện gì trong cuộc sống thì cũng có cách giải quyết, dù là mẹ cũng không thể tùy tiện tước đoạt mạng sống của hai đứa trẻ vô tội.
Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ - Luật sư Chu Thị Út Quỳnh (Hà Nội) liên quan trên trách nhiệm pháp lý, tội danh và mức hình phạt người mẹ phải đối mặt với hành vi của mình.
Theo Luật sự Chu Thị Út Quỳnh, trước bất kỳ lý do, hoàn cảnh nào, hành động ôm hai con cùng tự tử của người mẹ đều bị coi là việc làm vô nhân đạo và trái pháp luật.
Chúng ta biết rằng “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Điều 19 của Hiến pháp năm 2013) và Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển (Điều 12 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về quyền sống).
Việc ôm con tự tử của người mẹ đã vi phạm nghiêm trọng quyền nêu trên của trẻ, khi thực hiện hành vi bị nghiêm cấm là “Tước đoạt quyền sống của trẻ em” (Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016).
May mắn thay, cả ba mẹ con đều đã được người dân kịp thời phát hiện, ứng cứu, hậu quả chết người chưa xảy ra nên hành vi của người mẹ chỉ được coi là phạm tội chưa đạt (pháp luật quy định tội giết người chỉ được coi là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người).
Cụ thể, Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về hành vi phạm tội chưa đạt như sau: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.
Đối với hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các Điều của Bộ luật Hình sự năm quy định về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. (Điều 57 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt).
Trong trường hợp, người mẹ tự tử thành công cùng hai con thì hành vi của người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự: “Giết 02 người trở lên” và “Giết người dưới 16 tuổi” với khung hình phạt người này có thể phải nhận là “bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Như vậy, hành vi cố ý nhảy cầu và ôm theo hai con nhỏ nhảy cùng của người mẹ có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết là giết 02 người trở lên (Điểm a khoản 1 Điều 123 BLHS) và giết người dưới 16 tuổi (Điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS).
Tuy nhiên, hậu quả chết người chưa xảy ra nên trong quá trình cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ và khi đã có kết luận điều tra đối với hành vi trên của người mẹ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ có những biện pháp xử lý và hình phạt thích đáng dành cho người mẹ.
Đối diện hình phạt và bản án lương tâm
Là một người phụ nữ, người mẹ, tôi nghĩ rằng về mặt đạo đức thì hành vi tước đoạt mạng sống trẻ em của cha mẹ là hành vi vô cùng nhẫn tâm, còn ở góc độ pháp luật thì hành động của họ là hành vi vi phạm pháp luật. Có thể trước áp lực cuộc sống, gia đình thì sẽ có những người cha, người mẹ suy nghĩ nông nổi, dại dột rằng chết là hết, là chấm dứt mọi sự đau khổ đang phải gánh chịu nên trước khi chết họ cũng muốn con mình được giải thoát.
Tuy nhiên, những người này đã không nghĩ đến những phiên tòa pháp lý và lương tâm trong vụ án “Giết người” mà họ có thể phải tham gia với tư cách là bị cáo. Vì vậy, để tránh những sự việc đau lòng này, pháp luật sẽ là công cụ quan trọng và hữu hiệu nhất cần được sử dụng. Phổ biến pháp luật trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của con người trong việc tự bảo vệ tính mạng bản thân, bảo vệ những người xung quanh phải luôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng là công cụ giáo dục, răn đe những cá nhân có ý định phạm tội, khiến họ phải suy nghĩ lại về việc có hay không thực hiện hành động phạm tội, trong đó có hành vi tước đoạt mạng sống của người khác. Sau cùng, mọi người cũng cần chủ động nâng cao kỹ năng sống, vốn hiểu biết của bản thân để luôn chủ động và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong trong cuộc sống theo hướng tích cực. Có như vậy, những sự việc đau lòng mới không còn xảy ra nữa.
Theo nguoiduatin.vn
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-me-tre-om-2-con-nhay-cau-tu-tu-doi-mat-voi-toi-danh-nao-a554614.html