Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Kiều bào đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Kiều bào đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Triển khai Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 2/3.

Kiều bào đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/DA

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến (các điểm cầu tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Úc).

Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài.

Tham dự hội nghị còn có các bộ, ban, ngành liên quan và đại diện kiều bào đang có mặt tại Việt Nam. Tham dự trực tuyến có hơn 20 điểm cầu ở hầu hết các châu lục với sự tham gia của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện hội đoàn và cá nhân kiều bào.

Đây là hội nghị thứ 2 từ đầu năm đến nay được tổ chức để phổ biến và lấy ý kiến kiều bào về chính sách pháp luật trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi). Trước đó, ngày 13/1/2023, Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài với sự tham dự của đoàn kiều bào tiêu biểu về dự chương trình "Xuân Quê hương 2023" đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức thành công tốt đẹp.

Chính vì vậy, hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức để tiếp nhận ý kiến đóng góp của kiều bào vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có điểm mới quy định về quyền sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở, đất ở tại quê hương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Hiệu cho biết, việc lấy ý kiến của kiều bào đối với các dự thảo chính sách pháp luật với tư cách là đối tượng thụ hưởng là công việc thường xuyên được Đảng và Nhà nước, các cơ quan soạn thảo quan tâm làm sao lấy được nhiều ý kiến rộng rãi phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, Luật Đất đai là luật rất quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến của người dân và doanh nghiệp, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam. 

Trong quá trình xây dựng và từng bước hoàn thiện pháp luật về đất đai nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung đang từng bước thể chế hóa những chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà đặc biệt là đối với người Việt Nam ở nước ngoài đều yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Việc lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng nằm trong chu trình đó để làm sao thể chế hóa đường lối của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng phát huy hơn nữa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với chủ trương đường lối chung của quá trình phát triển đất nước.

Có thể nói, trong những năm qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, quán triệt tinh thần "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước". Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể chế hoá thông qua các chính sách pháp luật trong nhiều lĩnh vực, như: Quốc tịch, xuất cảnh, nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, lao động..., nhằm hỗ trợ, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời phát huy tinh thần yêu nước và nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Trong lĩnh vực đất đai nhiều chính sách đã tạo thuận lợi trong việc sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Kiều bào đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị - Ảnh: VGP/DA

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới trong việc quy định về quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài trong chính sách pháp luật đất đai hiện hành, như việc từ chỗ kiều bào chỉ được mua một nhà ở hoặc một căn hộ chung cư, thì nay không còn bị hạn chế số lượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. 

Trong lần sửa đổi này, trên cơ sở nguyện vọng của bà con kiều bào và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất đã được nêu tại Nghị quyết 18 của Trung ương, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Ban boạn thảo tháo gỡ những hạn chế còn tồn tại về vấn đề đất ở là quyền sử dụng đất mà chưa có công trình nhà ở bên trên, trước đây chỉ được nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở. Lần này kiến nghị mở rộng các loại đất khác theo quy định của pháp luật không chỉ giới hạn ở trong khu dự án phát triển nhà ở. Nội dung này đã được Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Bộ Ngoại giao và đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cụ thể ở điều 30 và điều 47.

GS. Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam ở Hoa Kỳ tại hội nghị, việc lấy ý kiến kiều bào đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện sự cầu thị và trân trọng sự đóng góp của bà con kiều bào đối với những vấn đề trọng đại của đất nước. Ngày càng nhiều kiều bào đã về Việt Nam đầu tư, làm ăn góp phần không nhỏ vào sự phát triển đất nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng bà con kiều bào, xem kiều bào là khúc ruột ngàn dặm của Tổ quốc. 

Việc Nhà nước tạo điều kiện cho kiểu bào sở hữu nhà ở đất ở là việc rất cần thiết, bởi lẽ đây là nguồn thu hút ngoại tệ đầu tư vô cùng hiệu quả vào xây dựng đất nước, kiều bào phát triển bất động sản còn góp phần đóng thuế và phát triển các dịch vụ liên quan. Nhà ở, đất ở là bất động sản, là tài sản cố định, nên bà con kiều bào sở hữu tài sản này cũng nằm ở trong nước và ít có rủi ro. Việc cho phép kiều bào sở hữu đất ở, nhà ở tạo điều kiện cho kiều bảo giảm thiểu rủi ro trong việc nhờ người thân sở hữu.

Đối với vấn đề liên quan đến quyền sở hữu đất và nhà ở đối với đối tượng là kiều bào, GS. Nguyễn Đình Phú bày tỏ đồng tình với 2 nội dung sửa đổi ở điểm G, khoản 1, Điều 30 và điểm E, khoản 1, Điều 30 của dự thảo. 

Cụ thể ở điểm G, khoản 1, Điều 30 của dự thảo nêu rõ quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê, nhận thừa kế, nhận nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, hoặc nhận quyền sử dụng đất ở. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không bị giới hạn việc nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển như quy định tại Luật Đất đai năm 2013.

Theo GS. Nguyễn Đình Phú, đây là điểm mới, nếu điều này được thông qua thì quyền và nghĩa vụ về nhà ở và đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được bình đẳng như công dân Việt Nam ở trong nước.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Trù bị Liên hiệp Hội người Việt Nam tại CHLB Đức, Tổng giám đốc Trung tâm Thương mại Đồng Xuân chia sẻ sự vui mừng khi thấy Điều 30 và Điều 47 trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được sửa đổi vì nội dung đó rất quan trọng với người Việt Nam định cư ở nước ngoài vì nếu sử dụng đất chưa có nhà ở mà không được quyền sử dụng thực sự như một người dân Việt Nam thì sẽ không thể làm gì.

Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài không phải là họ không yêu nước mà đó là vì để thuận lợi cho cuộc sống ở nước sở trong sinh hoạt, công tác và kinh doanh. Vì vậy theo ông Hiền, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hướng tới đối với người Việt Nam đã nhập quốc tịch được hưởng quyền lợi như những người Việt Nam chưa nhập quốc tịch.

Ông Nguyễn Văn Hiền cho rằng, hiện tượng đầu cơ đất xảy ra nhiều sẽ rất nguy hiểm, khi bất động sản không ổn định sẽ khiến cho kinh tế đất nước không phát triển. Ông Hiền đưa ra một số ở CHLB Đức trong việc quản lý đất đai để tránh đầu cơ, tránh việc buôn bán, sang tên đất đai, nhà ở. 

Đơn cử, Chính phủ Đức quy định đối với đất đai trong thời gian 10 năm tính từ ngày giao dịch mua bán nếu chủ sở hữu thực hiện giao dịch, mua bán tiếp ngay sau đó thì chủ sở hữu sẽ phải trả thuế 45%, để sau 10 năm sẽ không phải nộp thuế như vậy. Mặt khác Chính phủ Đức cũng tính những chi phí phụ như nếu cá nhân, tổ chức có 200.000 m2 đất ở Berlin, một quý phải trả 2,04 eur/m2 tiền xử lý nước mưa, 1,9 eur/m2 tiền quét dọn. Với khoản chi phí phải trả như vậy nếu đầu cơ đất, giữ đất thì liệu có trả được những khoản chi phí này hay không? Điều đó cũng làm giảm hiện tượng đầu cơ đất.

Ông Tài Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Anh (Việt kiều tại Mỹ) cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 theo thời gian đến nay đã bộc lộ những điểm bất cập, do đó Luật Đất đai (sửa đổi) phải minh bạch rõ ràng để các đối tượng thực hiện và người thực thi công vụ có khả năng xử lý công việc tốt hơn. Nhiều bà con Việt kiều có nguyện vọng mua nhà ở quê hương nếu được tạo điều kiện thuận lợi bà con kiều bào sẽ về nước đầu tư nhiều hơn góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/kieu-bao-dong-gop-y-kien-doi-voi-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-102230302201010305.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37649 sec| 671.266 kb