Mới đây, Hà Nội đã chấp thuận phương án thay thế cây phong bằng cây bàng lá nhỏ, có thân thẳng, dáng cân đối, phân cành cao để không làm ảnh hưởng đến giao thông tại đường Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh.
Đây là quyết định của lãnh đạo thành phố sau một thời gian có người dân và cơ quan báo chí phản ánh về việc hàng cây phong lá đỏ trồng tại các tuyến đường này bị chết khô, không phát triển, rụng lá… làm mất mỹ quan đô thị.
Cách đây hơn 3 năm, một doanh nghiệp hào phóng tặng cây phong lá đỏ cho Hà Nội và từ một nơi xa xôi loài cây mới lạ được trồng trên một số con phố của Thủ đô. Điều này đã khiến rất nhiều người dân Thủ đô bất ngờ, khiến chuyên gia tranh cãi và trở thành đề tài tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Chủ tịch UBND thành phố thời điểm đó còn khẳng định, chỉ trong khoảng 1 năm sau, chúng ta có thể “nhiệt đới hóa được cây phong”, “mang màu sắc của cây phong châu Âu đến vùng nhiệt đới”…
Trong khi một mặt dư luận bày tỏ kỳ vọng sẽ có một “khung cảnh trời Âu” đầy lãng mạn ngay giữa Thủ đô; lại có không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi, lo lắng về sức chịu đựng và khả năng sống sót của cây phong giữa khí hậu khắc nghiệt vào mùa hè của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cây phong lá đỏ sẽ phù hợp trồng ở khu vực không khí lạnh như Sa Pa, Đà Lạt hơn, bởi đây là loài cây ưa lạnh, không chịu được nóng.
Đến tận tháng 1/2021, ông Nguyễn Đức Mạnh (Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội) vẫn khẳng định, hàng phong lá đỏ đang thay lá chứ không phải chết.
Ấy vậy, đến nay, chỉ sau 3 tháng, toàn bộ số cây phong này đã được quyết định thay thế. Lại thêm một loạt cây trồng mới chỉ nay mai sẽ lại mọc lên ngay tại những vị trí này.
“Quyết định táo bạo” ngay lúc đầu với kỳ vọng sẽ mang lại một diện mạo mới cho Thủ đô, đã không còn được tin tưởng. Nguyên nhân chủ yếu khiến những hàng phong lá đỏ mang đầy kỳ vọng “chết yểu” khi chưa kịp khoe sắc, là do sinh thái không phù hợp.
Chuyên gia lâm nghiệp Nguyễn Quang Lâm cũng cho biết, trước đây, chúng tôi đã từng thử nghiệm trồng một số cây phong từ Nga về nhưng đều không sống được. Nếu có giống cây phong phù hợp cũng cần phải trồng thử nghiệm ở vườn ươm để thử khả năng chống chịu.
Bên cạnh đó, khi trồng cần lưu ý đến đất trồng, cần là loại đất tốt, đào hố sâu để đất giữ rễ. Cây phong cũng không ưa nắng gắt nên phải trồng xen canh cây khác để tránh nắng gắt trực tiếp mùa hè…
Việc trồng cây phong ngay giữa đường quả là một cuộc thử nghiệm đầy tính phiêu lưu, khi mùa hè oi bức đến, nắng gắt có thể trực tiếp tổn hại đến sức sống của chúng. Vì lựa chọn môi trường và vị trí địa lý không phù hợp nên cuộc thử nghiệm này thất bại cũng là điều dễ hiểu. Thử nghiệm là cần thiết khi bắt đầu một điều mới mẻ, nhưng thử nghiệm đó phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc điều kiện thử nghiệm phù hợp nhất.
Vốn dĩ, trong bối cảnh cây xanh đô thị của Hà Nội đang chịu nhiều “tổn thương” vì những dự án kiến trúc, giao thông… liên tục được vẽ ra, thì thành phố nên trồng bù bằng những cây quen thuộc để nhanh trả lại màu xanh. Hoặc ít nhất, những chuyên gia cũng nên nghĩ đến những loài cây đã có kinh nghiệm trồng và chăm sóc, để tránh những tổn hại và lãng phí không đáng có.
Chưa cần nhắc đến ngân sách được chi bao nhiêu vào những lượt trồng mới cây xanh, chỉ cần đề cập đến công sức của biết bao công nhân viên miệt mài trồng cây, chăm sóc, tưới nước mỗi đêm,… rồi đến một ngày lại phải bứng hết chỗ cây ấy đem ra nơi khác để tiếp tục trồng cây mới thay thế.
Quyết định táo bạo mà nhiều người cho rằng cần phải thử trước đây, nay đã trở thành bong bóng xà phòng, vỡ tan những mong mỏi về một “khung cảnh trời Âu” có tiềm năng trở thành điểm nhấn tại Thủ đô.
Người ta vẫn thường nói: “Của một đồng, công một nén”, biết bao công sức vất vả và thời gian đợi chờ, cuối cùng, lại chỉ mang đến những thân cây trơ trọi, những cành cây khô khốc vươn lên như cánh tay gầy guộc giữa cái nắng mới của Hà Nội. Và hai chữ “thất bại” được giành để nói về viễn cảnh lãng mạn lad phong đỏ của trời Âu giữa lòng Hà Nội.
Những nhà nghiên cứu lại tiếp tục đau đầu, người dân lại tiếp tục chờ đợi để được nhìn thấy màu xanh mát mắt trên đường phố. Chắc hè năm nay, nắng sẽ gắt hơn, oi ả hơn khi những hàng cây chưa kịp thay thế.
Vậy là... 3 năm tan một giấc mơ!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!