Cứ đến tháng 3, những cha mẹ ở Hà Nội có con thi vào lớp 10 như tôi lại như ngồi trên đống lửa chờ công bố của sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về môn thi thứ 4. Sử, Địa, Sinh, Hóa, Lý hay Giáo dục công dân sẽ được gọi tên để đi kèm trọn bộ 3 môn cố định là Văn, Toán, Anh đây? Làm sao để giúp con có thể ôn tốt nhất môn thứ 4 trong bối cảnh ngày thi không còn xa?
Năm nay, lịch sử đã được công bố là môn thi thứ 4. Tuy nhiên, tính từ thời điểm công bố, học sinh cũng chỉ có vỏn vẹn hơn 60 ngày để ôn thi. Với những học sinh có sở trường về những môn khoa học xã hội, thi Sử khá thuận lợi. Nhưng với những học sinh có thiên hướng phát triển các môn khoa học tự nhiên, môn học “thuộc lòng” này thực không đơn giản, đặc biệt khi mà cùng lúc còn phải ôn luyện 3 môn cố định còn lại.
Học là phải toàn diện, không học lệch, học tủ. Điều này đúng nhưng thực tế, thiên hướng, khả năng của mỗi đứa trẻ lại không phải bao giờ cũng toàn diện. Chẳng lẽ lại để một đứa trẻ xuất sắc môn Toán hay Anh trượt vào trường công lập chỉ vì một môn học không phải sở trường?! Chẳng lẽ lại để một đứa trẻ luôn tự hào vì thành tích trong các môn khoa học tự nhiên rớt đài con đường học vấn chỉ vì một môn học “lệch tông”?
Vì lẽ đó nên để con giành thắng lợi trong cuộc chọi đua khốc liệt vào lớp 10, nhiều cha mẹ cực chẳng đã phải viện đến nhiều phương kế để giúp con chạy đua cho kịp tiến độ thi. Những lời khẩn khoản kêu gọi mở lớp ôn Sử cấp tốc, gom nhóm học chung hay xin tài liệu ôn thi Sử của các phụ huynh hiện trở thành chủ đề nóng hơn bao giờ trên các diễn đàn về giáo dục. Vẫn biết học nhồi nhét, học cấp tốc là điều bất đắc dĩ nhưng trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng, cha mẹ biết làm gì khác đây?
Dù kiến thức thi chỉ trong khuôn khổ sách giáo khoa chứ đâu cao siêu gì nhưng thực sự, sự lo lắng, hồi hộp, sự phấp phỏm đợi chờ công bố môn thi thứ 4 trong thời gian dài cũng làm nhiều học sinh và phụ huynh căng thẳng đến mất ăn mất ngủ. Việc phải chờ đến cuối tháng Ba mới công bố môn thi thứ 4 liệu có giúp cho việc học tập của học sinh tốt hơn chăng hay chỉ tạo thêm những áp lực tâm lý không đáng có?
Từ năm 2019, sau cả chục năm chỉ thi 2 môn là Toán và Ngữ Văn, lần đầu tiên học sinh Hà Nội phải thi 4 môn để vào trường cấp 3. Tăng môn thi cuối cấp đồng nghĩa áp lực lên các cô cậu học trò ngày một nhiều hơn. Nhìn cảnh học sinh cuối cấp phờ phạc sau những đêm thức muộn ôn thi, những khuôn mặt lo lắng bàn chuyện thi cử trong những giờ nghỉ của học sinh cuối cấp hay những hiện tượng trầm cảm trong mỗi kỳ thi mà thấy thương vô cùng. Còn đâu sự hồn nhiên, vui tươi, còn đâu sự lãng mạn, luyến lưu của những ngày cuối cùng bạn bè chung lớp như thuở xưa... Đến lớp những ngày cuối cấp giờ là một không khí căng thẳng, là sự bao trùm của những lo lắng, ưu tư.
Khẩu hiệu Mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui lâu nay vẫn là mục tiêu hướng đến của ngành giáo dục. Nhưng học sinh sao có thể vui đến trường khi mà số môn thi cứ tăng theo năm tháng? Sao có thể vui khi những áp lực vô hình và hữu hình luôn đè nặng lên đôi vai của những cô cậu học trò đang ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới?
Đã có nghiên cứu nào chứng minh việc học sinh trung học cơ sở thi 4 môn sẽ tốt hơn 3 môn hay có lý giải nào xác đáng cho việc thi cử nhiều sẽ tạo nên nhiều học sinh thành công? Có quá nhiều điều mà phụ huynh chưa thể lý giải nổi?
Áp lực cho các kỳ thi vào cấp 3 thực sự không chỉ hằn ghi ở riêng học sinh cuối cấp. Cuộc chạy đua để có tấm vé vào trường công lập cấp 3 ở các thành phố lớn thực sự đã bắt đầu từ những lớp giữa, thậm chí đầu cấp 2. Những lò luyện luôn rực lửa “thiêu đốt” tuổi thơ, sức khỏe... của bao trẻ trong suốt nhiều năm.
Thực tế, ngoại ngữ là môn học được đề cao. Việc tăng thêm môn ngoại ngữ cần thiết. Nhưng tăng thêm môn thứ tư (lựa chọn theo kiểu ngẫu nhiên) quả là đánh đố học sinh. Nên chăng Hà Nội tính đến môn thi thứ tư là môn thi tự chọn (giống thi đại học) học sinh có thế mạnh môn gì sẽ chủ động đăng ký chọn lựa thi môn đó. Như thế môn thi không còn là bất ngờ khó chống đỡ với thí sinh.
Thế giới phẳng, chúng ta không thể không nhìn vào thực tế ở nhiều nền giáo dục tiên tiến, nơi áp lực thi cử đã không còn tồn tại. Úc là một ví dụ. Ở xứ sở này, học sinh hoàn toàn không bị áp lực thi cử.
Trong khi ở nước ta, học sinh vẫn phải đối mặt với hằng hà sa số các kỳ thi, từ thi học kỳ tới thi chuyển cấp, thi lớp chuyên chọn tới thi chuẩn hóa tiếng Anh, có khi vừa đỗ kỳ thi này lại lăn lộn ở các lớp học thêm cho kỳ thi tiếp, thì ở Úc và nhiều nước khác trên thế giới, các cấp học phổ thông chương trình học rất nhẹ, các kỳ thi chuyển cấp cũng không còn. Giảm tải chương trình học và xóa bỏ bớt các kỳ thi ở phổ thông, các nhà giáo dục ở những nước này tin rằng các chương trình học nặng không quyết định đến việc học sinh sẽ thành công hay thất bại trong tương lai và một bài thi không phản ánh tất cả các mặt năng lực của học sinh.
Mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui là mục tiêu hướng đến của mọi nền giáo dục. Tuy nhiên, nhìn vào áp lực thi cử, học hành của học sinh ngày nay, tôi luôn băn khoăn tự hỏi nếu không thay đổi, mỗi ngày đến trường có là mỗi ngày vui của học sinh được chăng?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.