Lễ khai giảng năm học 2021– 2022 ngày 5/9 vừa qua có lẽ là Lễ khai giảng đặc biệt nhất, chưa từng có trong tiền lệ của ngành giáo dục. Trong hàng loạt các bài viết, hình ảnh trên các trang mạng xã hội về ngày khai giảng thì bức ảnh hot nhất để lại nhiều tranh luận nhất trên cộng đồng mạng có lẽ là bức ảnh chụp cô giáo Văn Thùy Dương – Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh đứng phát biểu giữa sân trường không một bóng học trò.
Tôi cũng là một người công tác trong ngành giáo dục. Thực sự khi nhìn thấy bức ảnh đó tôi thấy cảm động. Tôi cũng phóng to ra nhìn nhưng không phải là để “soi” hình xăm sau gáy cô mà để nhìn kiểu tóc của cô Văn Thùy Dương. Chỉ thấy bức ảnh đẹp và hình xăm cũng rất đẹp dù tôi cũng chưa hiểu về ý nghĩa của nó cho tới khi đọc những chia sẻ của cô Văn Thùy Dương trên trang cá nhân về hình xăm ngôi sao 6 cánh và chữ Vạn ở giữa: “Hình xăm kết hợp này có ý nghĩa cho riêng tôi: Là sự mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn và mọi thế lực đen tối để mang lại cuộc sống cân bằng cho mình bằng chính sự giác ngộ toàn vẹn. Vượt qua khó khăn mà luôn nhắc nhở mình bớt tham sân si, để cho chính cuộc sống của mình được an nhiên tự tại! Đây là một hình đẹp và ý nghĩa, được tôi khắc lên da thịt mình khi tôi chính thức quy y cửa Phật!”.
Tôi nhớ năm 2016, cô Văn Thùy Dương đã giữ lời hứa xuống tóc quy y để cảm tạ trời Phật trước sự khỏe lại của cha mình là PGS. Văn Như Cương sau khi ông chịu truyền dịch để chữa bệnh. Lúc đó trong bức ảnh cô xuống tóc cũng để lộ hình xăm ngôi sao 6 cánh và chữ Vạn, nhưng có lẽ mọi người khi ấy chỉ chú ý vào mái đầu trụi tóc của cô và những hình ảnh cảm động về lòng hiếu thảo với đấng sinh thành. Bạn có biết cô Văn Thùy Dương đã trải qua những ngày như thế?
Trước đây tôi cũng đã từng có những mặc cảm về việc xăm hình trên cơ thể. Dường như đa số mọi người cũng đều có suy nghĩ như thế.
Khi xã hội phát triển hơn, người ta có cái nhìn thoáng hơn. Chúng ta thấy rất nhiều nghệ sĩ, ngôi sao nổi tiếng trên thế giới sở hữu cho mình hình xăm, thậm chí “xăm kín người” như David Beckham hay Justin Bieber. Ngay cả trong giới hoàng gia các nước với nhiều nguyên tắc khắt khe hay những chính khách cũng không phải không có những người sở hữu các hình xăm mang ý nghĩa riêng. Công nương Sofia xinh đẹp của Thụy Điển có một hình xăm sau gáy hay công chúa Stephanie của Monaco cũng sở hữu một hình xăm cá tính sau vai. Trên bắp tay cuồn cuộn của Thủ tướng Canada – Justin Trudreau, người ta cũng nhìn thấy một hình xăm kết hợp quả địa cầu và chú quạ rất đẹp. Dù thuộc số ít những nguyên thủ quốc gia trên thế giới có hình xăm nhưng ông Trudreau không hề có ý che giấu và sẵn sàng cho người khác nhìn thấy hình xăm ý nghĩa của mình. Trong chuyến đến thăm Việt Nam cuối năm 2017, vị Thủ tướng vương quốc lá phong đỏ này đã gây bão MXH khi chạy bộ bên bờ sông Nhiêu Lộc- Thị Nghè (TP. Hồ Chí Minh) với hình xăm trên bắp tay trái và phong cách trẻ trung, năng động của mình.
Xăm hình đối với nhiều người chỉ để lưu giữ một kỷ niệm hay dấu mốc quan trọng nào đó trong cuộc đời mình nhưng cũng không hiếm người coi việc xăm hình trên cơ thể là một niềm đam mê, một nghệ thuật (đương nhiên là phải chịu đau đớn) để có thể biến cơ thể mình thành một bức tranh. Thú thật là tôi rất mê các hình xăm nhỏ ý nghĩa, có điều tôi không có đủ dũng khí để chịu đau nên cũng đành chỉ ước ao.
Trở lại với bức ảnh của cô Văn Thùy Dương trong Lễ khai giảng đặc biệt của năm học 2021 -2022, dưới góc nhìn của một nhà giáo tôi hoàn toàn không thấy bức ảnh đó có vấn đề ảnh hưởng đến giáo dục đạo đức hay nhân cách cho trẻ như quan điểm của một số người. Không biết có ai còn nhớ một tác phẩm văn học Nga trong sách giáo khoa Ngữ Văn 11 tập 2- Tác phẩm Người trong bao của nhà văn A. P. Sê-khôp. Tôi nhớ nhân vật được nói đến trong câu chuyện chính là một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp Bê-li-cốp, một con người với lối sống và những suy nghĩ kỳ quặc. Với Bê-li-cốp, chuyện có ai đó vẽ một tranh biếm họa về “Một người tình si” và việc chứng kiến cảnh chị em cậu đồng nghiệp trẻ cùng trường phóng xe đạp cười nói vui vẻ là một điều gì đó vô cùng khủng khiếp. Hắn nói với cậu đồng nghiệp: “Anh đã đi xe đạp và cái trò giải trí ấy hoàn toàn không hợp với tư thế của một nhà giáo dục thiếu niên… Nếu thầy giáo đi xe đạp thì học sinh sẽ làm gì?... Khi tôi thấy chị của anh, mắt tôi hoa lên. Đàn bà con gái mà đi xe đạp thì quả là chuyện kinh khủng!”… Trong suy nghĩ của Bê-li-cốp, thầy giáo không thể đi xe đạp và phụ nữ càng không thể đi xe đạp.
Không hiểu sao khi đọc những nhận xét về hình xăm sau gáy trong bức ảnh ngày khai giảng của cô Văn Thùy Dương tôi lại nghĩ đến những ý nghĩ của Bê-li-cốp khi nhìn thấy chị em Cô-va-len-cô đi xe đạp thời kỳ cuối thế kỷ XIX ở nước Nga.
Trong mấy hôm nay người ta cũng hỏi cô Văn Thùy Dương đại loại những câu: Cô dạy thế hệ trẻ cái gì? Cô giáo dục học trò ra sao? Việc cô Phó Hiệu trưởng có một hình xăm như thế có phù hợp với công việc của một nhà giáo?...
Có lẽ trong xã hội, kể cả xã hội phát triển của thế kỷ XXI này người ta vẫn chưa hết những định kiến về hình xăm, nhất là hình xăm trên cơ thể phụ nữ. Hơn thế, người phụ nữ đó lại đang làm trong một ngành nghề cao quý là giáo dục. Một lĩnh vực mà con người ta luôn bị coi là phải mẫu mực. Tôi ấn tượng về cách Tô Sa – ái nữ của cô Văn Thùy Dương lên tiếng trước ồn ào bức ảnh của mẹ mình. Cô gái xót xa cho mẹ và cô thấy mạng xã hội thật đáng sợ. Cô chia sẻ về những điều mà mọi người không nhìn thấy sau bức ảnh của mẹ:
“Suốt 2 năm Covid, mẹ tôi đã chờ đợi gặp học sinh của bà trong ngày tựu trường và gửi gắm điều đó vào tâm thư ngày khai giảng đáng nhớ. Bà đã nắn nót từng lời, nhờ loa truyền qua từng bộ phận phát tín hiệu đến mỗi học sinh. Vẫn cố chuẩn bị cái backdrop (phông nền), thuê trống để thu tiếng cho thân thương.
(…) Giữa mùa dịch bệnh, mẹ vẫn xin giấy của phường để đi lại, ủng hộ cho phường biết bao nhiêu tấn gạo, tấn mì. Trong ngày khai giảng, mẹ vẫn lo lắng sự an toàn của học sinh nhưng vẫn đảm bảo các em không thiếu bài phát biểu và tiếng trống khai trường…”.
Không phải tất cả chúng ta đều nhìn thấy những điều đó sau bức ảnh của cô Văn Thùy Dương và cũng không phải ai trong số chúng ta cũng làm được những việc như cô.
Có những điều bạn nghe thấy, nhìn thấy tưởng như thế nhưng lại không phải là như thế. Đã từ bao giờ mà chúng ta luôn tự cho mình cái quyền nhìn nhận, đánh giá một con người qua những biểu hiện bề ngoài như vậy?
Câu chuyện về bức ảnh và hình xăm sau gáy của cô Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh trong ngày khai giảng đặc biệt năm nay và những chỉ trích không đáng có có lẽ là những điều khiến chúng ta phải suy ngẫm, riêng tôi, cảm thấy buồn. Và buồn hơn là có nhiều những phán xét khiếm nhã lại từ chính những người trẻ đang luôn muốn được sống là chính mình.
Ai cũng có những sở thích và quyền riêng của mỗi người. Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc sở hữu một hình xăm đẹp và ý nghĩa trên cơ thể không còn là một vấn đề gì quá nghiêm trọng dù bạn có là ai đi chăng nữa. (Trừ khi bạn không thích, không thể và có những nguyên tắc của riêng mình). Tại sao giới trẻ có thể cuồng nhiệt đến phát sốt lên với hình xăm quả địa cầu trên bắp tay của Thủ tướng Canada năm 2017 hay hình xăm chiếc đồng hồ thế kỷ trên tay ngôi sao bóng đá Messi trước trận đấu gặp Real Madrid năm 2015 mà giờ đây chúng ta lại thấy khó chịu cho rằng hình xăm ngôi sao 6 cánh sau gáy cô Văn Thùy Dương đã làm hỏng bức ảnh tưởng như ý nghĩa nhất trong Lễ khai giảng đặc biệt năm nay?
Chỉ có thể lý giải là chúng ta vẫn còn có quá nhiều những ý nghĩ “trong bao” cần phải thoát ra, phải thay đổi để nhìn khác đi, nghĩ khác đi. Tôi rất thích bản lĩnh của cô Văn Thùy Dương trong câu nói với con gái: “Đây là lý do làm sao mình vẫn phải làm giáo dục con ạ.”
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!