Đang có một cuộc sinh hoạt về toán học do Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán tổ chức và do một trường tư thục nhưng rất hot ở Pleiku đăng cai, trường quốc tế Châu Á Thái Bình Dương.
Đây là “trường hè toán học cho giáo viên và học sinh PTTH chuyên toán 2023” quy tụ toàn các nhà toán học lừng danh như GS.Ngô Bảo Châu, TS.Trần Nam Dũng và giáo viên dạy toán giỏi của các tỉnh, học sinh chuyên toán các tỉnh miền Nam và miền Trung... về dự. Sáng nay một gã nhà thơ rất lơ ngơ về toán, là tôi, lọt vào cuộc cà phê với họ.
Chuyện trò các loại, rồi lại quay về chuyện Thi THPT Quốc gia năm nay.
Các nhà toán học ngồi đây đa phần là các thầy giáo đang dạy ở các trường THPT, có thầy là Hiệu trưởng và họ đều hoan hỉ thông báo, trường họ 100% đã đậu tốt nghiệp.
Tôi cắc cớ đặt ra hai câu hỏi:
Một là các thầy lý giải giúp xem tại sao năm nay, và nhiều năm đã từng, thủ khoa tốt nghiệp THPT Quốc gia thường là ở các trường không lớn và ở các tỉnh không lớn?
Năm nay, cháu học sinh có số điểm môn Ngữ văn cao nhất, duy nhất được 10 điểm, thuộc về trường THPT Nghĩa Minh huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.
Và tỉnh Nam Định cũng là tỉnh có học sinh thủ khoa kỳ thi THPT Quốc gia năm nay. Cô học trò này lại cũng là học sinh trường làng ở huyện Vụ Bản và cháu cũng hoàn toàn tự học, không học thêm học nếm gì.
Huyện thuộc loại khó khăn, ở xa và sâu nhất tỉnh Gia Lai là Krông Pa, cái tên đọc không quen cũng rất khó, trẹo cả miệng, lại có học sinh thủ khoa cấp tỉnh.
Một thầy giáo Hiệu trưởng nói: Học sinh thủ khoa là rất giỏi, bởi phải học đều các môn. Điểm cao từng môn nó khác, nhưng là thủ khoa đòi hỏi tất cả các môn điểm đều phải rất cao, chứng tỏ cháu học rất đều, không bỏ môn nào, và cũng chứng tỏ, cháu có một nền tảng kiến thức rất rộng.
Và hai là, với tình hình thi Tốt nghiệp như hiện nay, một cuộc thi hết sức tốn kém, chiếm khá nhiều công sức của gia đình, xã hội... chỉ để loại ra rất ít cháu học sinh không đỗ, thì có còn cần không, hay là ta công nhận Tốt nghiệp cho những cháu nào đã theo học đủ và không quá tệ, còn lại, sẽ tổ chức một kỳ thi vào đại học thật nghiêm túc?
Hiện nay vì hầu như ai Tốt nghiệp THPT cũng đều vào được đại học nên ai cũng vào, và tới lúc Tốt nghiệp Đại học mới biết là lãng phí vì số thất nghiệp rất nhiều, số đi làm không đúng chuyên ngành đào tạo cũng lắm, gây nên một sự lãng phí xã hội rất lớn.
Nếu thi vào đại học chặt chẽ, thì sẽ chỉ ai có khả năng mới thi và học, số còn lại sẽ đi làm hoặc học hệ thích hợp để đi làm. Chứ giờ, nhiều người nói vui, thi thoảng anh em shiper với grab lại tổ chức... họp lớp đại học, vui như hội.
Một bạn Hiệu trưởng ngồi đấy nói ngay: Nên bỏ thi Tốt nghiệp THPT và tổ chức thi đầu vào đại học thật chặt chẽ, thi từng trường hoặc liên trường, các trường tự chịu trách nhiệm chất lượng của mình. Một thời gian xã hội sẽ biết đánh giá, không cào bằng chất lượng các trường, và đặc biệt là bằng tốt nghiệp đại học giữa các trường nữa.
Và thứ ba, thì như thế cái sự tuyển công chức, viên chức nó phải khác, phải thực tế, sát hợp hơn. Nhớ hồi nào, sinh viên các trường đại học dân lập khi nộp hồ sơ xét tuyển công chức viên chức đều ăn đứt điểm sinh viên các trường lớn vì điểm tốt nghiệp toàn giỏi, các trường lớn đều trung bình và khá.
Biết làm sao khi chúng ta có mục tính điểm tốt nghiệp. Có cầu thì có cung, và các trường dân lập đã... nhanh nhạy hơn. Chưa kể còn có quan niệm đại học hệ nào cũng như nhau, nên đại học tại chức, mở, từ xa... mở như mưa, dù cái thời cần bổ túc tri thức, kiến thức cho cán bộ nó qua lâu rồi, hệ bổ túc công nông đúng nghĩa nó qua lâu rồi, nhưng té ra nó vẫn tồn tại, rầm rộ tồn tại vì vẫn còn rất nhiều người cần.
Rõ ràng, đang có nhiều cách lý giải, nhiều phương án mở cho giáo dục, cho các kỳ thi để nó có ích nhất, đúng nghĩa nhất và chất lượng nhất.
Bởi cuối cùng, học để có tri thức mà đi làm, thi để đánh giá năng lực... Những cuộc thi của chúng ta đã đạt được điều ấy chưa?
Về, tôi thăm dò một nhóm các thầy cô giáo, cả THCS và THPT (ôi ngay cái tên đã rối rắm, sao không đơn giản như ngày xưa ai cũng hiểu: cấp 1, cấp 2, cấp 3), 80% đồng ý bỏ thi Tốt nghiệp THPT, và họ lý giải tại sao học sinh trường vùng sâu vùng xa đạt điểm trung bình tốt nghiệp cao hơn cũng như có thủ khoa, là bởi:
“Vì nó giỏi thật, thực chất chứ không phải giỏi do nhồi nhét”, “các trường THPT ở trung tâm hay vùng thuận lợi, các cháu nó đủ điểm đậu đại học (đã test năng lực các kiểu, tiếng Anh các kiểu,..) nên chỉ thi điểm đậu, không cần thủ khoa”.
“Vì sao năm nay tỉ lệ học sinh một số trường chuyên điểm không cao, mặc dù tốt nghiệp 100%, là vì chúng học hành vất vả 3 năm, đầu tư thi đánh giá năng lực, SAT, tiếng Anh IELTS mấy chấm rồi nên thi tốt nghiệp Quốc gia chỉ cần thi điểm đậu và đừng để thấp thôi”.
“Việc thi Tốt nghiệp nên bỏ, vì năm nào cũng 100% đậu, điểm thi tốt nghiệp thường rất cao vì đề dễ, nên hầu như các cháu đều đậu đại học (mà học ra không có việc làm), việc bỏ thi Tốt nghiệp mà tổ chức thi đại học sẽ dễ sàng lọc chất lượng, tinh hoa học sinh hơn, hiện nay nên định hướng nghề nghiệp cho các em, con đường đại học không phải là duy nhất”.
“Việc học sinh vùng sâu vùng xa thường thi đạt thủ khoa vì các em học thực chất, giỏi thực sự, còn ở phố lớn hầu như chạy theo thành tích, và thường thổi phồng thành tích nên rất nhiều học sinh giỏi ảo, chỉ khi có các cuộc thi thực chất thì mới biết được chất lượng thực sự như thế nào”.
“Có 1 thực tế là khi bỏ chấm điểm và bỏ các cuộc thi là không áp lực cho học sinh, nhưng lại có hại là học sinh lười học và không cần cố gắng. Định hướng nghề hay mục đích học của các em thiết nghĩ không phải riêng ngành giáo mà nó phải từ gia đình. Từ thực tế thị trường xã hội cần học gì để sao phát huy được sở trường tối ưu của mỗi cá nhân để giúp ích cho chính bản thân họ trước sau mới đến gia đình và xã hội.
Có em vì theo bố mẹ học Y 6 năm vẫn học giỏi có học bổng, nhưng khi tốt nghiệp lại không làm ngành y và nói với bố mẹ con đã học cho bố mẹ hài lòng rồi, giờ cho con học và làm việc con thích và mong mỏi, bố mẹ không phải chu cấp, con sẽ tự nuôi bản thân con. Nó nói hết 7 năm thanh xuân mới định hướng được bản thân.
Nên sự định hướng cho con ngay từ đầu cũng là điều quan trọng và cũng rất khó. Phát hiện ra năng lực của mỗi học sinh để bồi dưỡng cũng đã khó vì quan điểm gia đình, nhà trường, giáo viên... đâu phải cùng một suy nghĩ.... nên cái gì hô bỏ bỏ xong lại thấy bất cập, lại không bỏ, nói chung là rối”.
Và sáng nay một Tiến sĩ toán học cũng kể, một ông Giáo sư toán lừng danh hướng con đi theo nghề mình. Nó cũng nghe, cũng học, xong mang cái bằng về... trả bố, đi làm bình luận viên, và giờ là một bình luận viên nổi tiếng.
Thì vẫn biết là chín người mười ý, mới hai nhóm tôi chứng kiến mà đã thế, huống gì toàn xã hội. Nên tôi chia sẻ với ngành giáo dục bài báo nhỏ này, và chúc mừng chúng ta đã hoàn thành cuộc thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.