Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thi THPT Quốc gia: Nên bỏ kiến thức trong thời gian dạy học online?

Thi THPT Quốc gia: Nên bỏ kiến thức trong thời gian dạy học online?
Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 ngày càng đến gần hơn, trong khi kỳ nghỉ kéo dài của học sinh vẫn đang tiếp diễn. Nhiều trường đã tổ chức học online, học qua truyền hình nhưng vẫn khó đảm bảo chất lượng, vì vậy, nên chăng, bộ GD&ĐT sẽ giúp học sinh “giải tỏa” những lo lắng và áp lực của kỳ thi “đặc biệt” năm nay?

Thi THPT Quốc gia: Nên bỏ kiến thức trong thời gian dạy học online?

Trước tình hình nghỉ học kéo dài gần 2 tháng của học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không ít giáo viên, phụ huynh và học sinh bày tỏ nỗi lo lắng về kỳ thi THPT Quốc gia, bởi tình thế này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.

Chưa kể, nhiều học sinh sau kỳ nghỉ kéo dài gần 2 tháng, do ở nhà quá nhiều cũng có thể dẫn đến tâm lý không thoải mái, khó tập trung cho việc học hành, ôn tập... hơn bình thường.

Nhiều thầy cô và phụ huynh đã kiến nghị bộ GD&ĐT xem xét giảm môn thi trong kỳ thi “đặc biệt” này. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tuyên bố, sẽ có một số điều chỉnh “phù hợp tình hình mới” cho kỳ thi năm nay, cụ thể, sẽ nghiên cứu để tinh giản nội dung chương trình học lớp 12, nhưng sẽ không có chuyện cắt giảm môn thi một cách cơ học.

Tuy nhiên, đứng trước một kỳ thi quan trọng, quyết định không nhỏ đến tương lai của nhiều học trò như vậy, việc bộ GD&ĐT chỉ khẳng định sẽ giảm tải chương trình, nhưng cũng chưa có giới hạn, “khoanh vùng” cụ thể nào để hướng dẫn học sinh trên cả nước, chỉ tuyên bố “giảm độ khó đề thi” sẽ rất mơ hồ, như vậy, học sinh vẫn sẽ phải học hết sách giáo khoa.

Đặc biệt, băn khoăn lớn nhất chính là, các nội dung kiến thức được giáo viên truyền tải đến học sinh trong giai đoạn học trực tuyến, học qua truyền hình hiện nay, liệu có xuất hiện trong đề thi THPT Quốc gia 2020?

Trong giai đoạn này, mặc dù có những trường tổ chức dạy học trực tuyến, có những địa phương tổ chức dạy học qua truyền hình,... nhưng chắc chắn việc giáo viên truyền đạt và học sinh tiếp thu không thể hiệu quả được như học trên trường lớp.

Thực tế, việc học trực tuyến không đảm bảo tính đồng bộ về phương tiện, năng lực tổ chức, điều kiện trang thiết bị của từng gia đình..., dẫn đến khó đảm bảo đồng bộ về chất lượng.

Chưa kể, học sinh ở vùng khó sẽ phải chịu thiệt thòi hơn ở vùng thuận lợi, khi những kiến thức nâng cao rất khó lĩnh hội chỉ qua một thời gian giảng dạy ngắn, thiếu sự trao đổi, thảo luận và giám sát. Khi dạy trực tiếp trên lớp, hoặc ít nhất là dạy trực tuyến qua internet, học sinh có thể hỏi lại về phần kiến thức nào chưa nắm chắc; nhưng ở những địa phương, gia đình không có điều kiện học trực tuyến, chỉ học được qua truyền hình, e là phần kiến thức đó sẽ càng trở nên “xa cách”.

Thông thường, trong kỳ thi THPT Quốc gia, chương trình học kỳ II lớp 12 là cực kỳ quan trọng. Học kỳ I được xem là giai đoạn “khởi động”, học kỳ II là “tăng tốc” để “về đích” ở kỳ thi THPT Quốc gia. Bên cạnh đó, tâm lý thầy cô xưa nay thường dành những phần kiến thức khó hơn qua học kỳ II để đẩy mạnh, trau chuốt, bồi dưỡng cho học sinh. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh năm nay, xem như vừa “khởi động” xong là nhảy qua “về đích” luôn, cả thầy và trò sẽ gặp rất nhiều áp lực.

Có nên chăng, bộ GD&ĐT sẽ “mở lối” giúp các sĩ tử trong mùa thi này, giảm áp lực bằng việc giảm tải chính những nội dung khó đạt hiệu quả đồng bộ trên cả nước?

Bởi lẽ, để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh, thì đề thi cũng chỉ nên bao hàm những nội dung kiến thức đã được giảng dạy công bằng trên cả nước.

Bộ GD& ĐT cũng đã khẳng định: “Bộ sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình do dịch Covid-19, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập; do vậy, giáo viên và học sinh không nên quá lo lắng”.

Hiện giờ đã là những ngày của nửa cuối tháng 3, cứ mỗi ngày qua đi, chưa được “nhìn thấy” đề thi tham khảo và giới hạn ôn tập cụ thể là áp lực và nỗi hoang mang về kỳ thi THPT Quốc gia lại đến gần hơn với các sĩ tử.

“Sớm công bố” là khi nào?!

Những quyết định quan trọng thì cần cân nhắc, những cũng không thể chậm trễ. Học sinh cả nước đang chờ một thông báo chính thức, đang cần một thời điểm cụ thể.

Nhà văn Elbert Green Hubbard đã từng nói: “Không cần nhiều sức mạnh để thực hiện, nhưng cần nhiều sức mạnh để quyết định phải làm gì”. Bộ GD&ĐT cần có một quyết định kịp thời ngay lúc này, để học sinh cả nước có thể giảm áp lực ôn thi, hoặc trước hết là có thể giải tỏa nỗi lo.

Những quyết định này cần phải làm ngay, làm luôn, chậm trễ giây nào là “gánh nặng” trên vai những sĩ tử trước mùa thi lại đầy lên đến đó.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

Tags:
3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.42770 sec| 637.742 kb