Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đất nước bên bờ sóng

Đất nước bên bờ sóng
Cha ông chúng ta đã sống trên mảnh đất này hàng vạn năm, hàng vạn năm các cụ đã chung sống với tự nhiên, cũng có bão lũ, cũng có người chết, nhà trôi, nhưng có lẽ tính chất nó không khốc liệt như bây giờ...

Nhạc sĩ Thái Văn Hóa có bài hát hay về đất nước ta, "Đất nước bên bờ sóng", khi còn trong nôi ai cũng đã biết Việt Nam ta là đất nước bên bờ sóng. Tất nhiên là ý biểu tượng, nhưng cũng từ thực tế là nước ta có hơn 3 ngàn km biển, là nơi sinh ra và tiếp cận bão. Và bão thì sinh ra lũ lụt.

Và một số tỉnh phía Bắc vừa hứng chịu cơn bão được cho là lớn nhất trong mấy chục năm qua, bão số 3, tên đúng là Yagi.

Thực ra, ở nước ta ấy, bão lớn, mạnh và dữ dội thường ở miền Trung nhiều hơn. Tất nhiên thi thoảng nó... đổi vùng, như năm nào nó quét ở Cà Mau, làm gần ba ngàn người chết và mất tích, và năm nay ở phía Bắc. Phía Bắc thì năm nào cũng có bão, nhưng đa phần là bão nhỏ, yếu, nhưng năm nay nó đột xuất, là siêu bão.

Nhưng ơn giời, so với những gì chúng ta đã chuẩn bị, đã sẵn sàng hứng chịu, có vẻ như, hậu quả không lớn lắm, nó làm nhiều người thở phào, dẫu những thiệt hại đã thống kê sơ bộ được, cũng làm chúng ta đau xót.

Đất nước bên bờ sóng

Đất nước bên bờ sóng
Cây xanh bật gốc sau cơn bão.

Có rất nhiều lý do để bão, và cả lũ lụt, gây thiệt hại.

Nhưng lý do chính vẫn là do con người, do chính chúng ta, khi chúng ta đã cố gắng để chinh phục tự nhiên, làm những việc phản quy luật tự nhiên, chúng ta tưởng là chúng ta làm vì con người, nhưng chúng ta đã triệt hạ tự nhiên, khiến cho, nói một cách văn hoa, mẹ thiên nhiên nổi giận. Và khi thiên nhiên đã nổi giận thì, hậu quả chúng ta thấy hàng năm rồi đấy.

Cha ông chúng ta đã sống trên mảnh đất này hàng vạn năm, hàng vạn năm các cụ đã chung sống với tự nhiên, cũng có bão lũ, cũng có người chết, nhà trôi, nhưng có lẽ tính chất nó không khốc liệt như bây giờ, hoặc là nó không dày đặc đến như bây giờ. 

Người già nói thế, chúng ta, những người đang sống trên đời này vài ba bốn năm sáu chục năm nay đều thấy thế, rằng là, càng ngày cường độ bão lũ càng lớn, thiệt hại càng kinh khủng, dù càng ngày chúng ta càng hiện đại hơn, bão lũ trước cả tháng, chính xác từng giờ, các phương tiện chống và chạy cũng hết sức hiện đại, từ máy bay, xe lội nước vân vân...

Chúng ta đã cố gắng chống tự nhiên chứ không chuẩn bị tâm thế sống chung hoặc né tránh. Chống tự nhiên là hành động hết sức điên rồ và u tối. Cũng như thế, chúng ta tàn sát tự nhiên với cái danh nghĩa nghe rất nhân văn là khai thác để phục vụ con người.

Sau bão, bây giờ là lúc chúng ta nhìn lại và chuẩn bị đón những cơn bão mới. Theo tôi là đón chứ không phải chống. Chúng ta chuẩn bị đón vừa ngay bây giờ nhưng cũng phải chuẩn bị cho mai sau, để sống chung, để nương vào nhau mà tồn tại.

Có mấy bạn nhà báo phát hiện, những hàng cây mới trồng ở vỉa hè Hà Nội, khi trồng cây đã to rồi, được mấy năm, giờ gặp bão cây đổ, và té ra cái hố trồng nông choèn, rễ chỉ loanh quanh ở đấy không phát triển được. 

Thậm chí có cây trồng mấy năm, giờ gặp bão bật gốc và mới phát hiện, gốc vẫn còn nguyên bọc ni lông. Thế thì hôm nay gặp bão chưa đổ thì sau này lớn lên nó đổ còn nguy hiểm hơn.

Đất nước bên bờ sóng

 

Và trong bão, rất nhiều bạn cãi nhau về việc ở nhà cao tầng, ở chung cư ấy, cửa kính thì đóng kín hay mở hé. Nếu xác định sống chung với bão ở đất nước nhiều bão, thì đây phải là kiến thức cơ bản với các cư dân sống ở nhà cao tầng rồi mới phải. Tức ngay khi thiết kế nhà người ta đã phải tính toán rất kỹ rồi phổ biến cho cư dân biết. Người Nhật sống ở vùng đất thường xuyên động đất nên từ thiết kế không gian sống tới kỹ năng sống đều hướng tới sống chung với việc này.

Người miền Trung sống chung với bão lũ thành... kỹ năng, nên họ có những thiết kế không gian sống phù hợp, từ hàng ngàn năm nay. Mà nhà rường của người Huế và nhà mái lá của người Bình Định là ví dụ rõ nhất.

Nhà rường là một đặc trưng của kiến trúc Huế. Đấy là ngôi nhà rất đẹp, tất nhiên rồi. Xứ thần kinh mà. Và, người Huế đã rất tài khi bất cứ ngôi nhà rường nào cũng có cái rương hay còn gọi là rầm thượng ở trên. 

Cái này được thiết kế như một phần của ngôi nhà, hết sức hài hòa, chứ không phải ghép vào cho có, bằng chứng là nó được làm rất cầu kỳ, công phu, hết sức hòa hợp với ngôi nhà, và cũng được chạm trổ rất cầu kỳ như mọi chỗ khác trong nhà, thậm chí những con tiện còn kỹ lưỡng hơn.

Thế nhiệm vụ của nó làm gì? Đơn giản, nó là nơi chứa đồ hàng năm khi mùa lụt đến. Mà không lụt thì những gì quý hàng ngày người ta cũng để lên đấy. Người không biết, nhìn lên cái rương ấy, tưởng nó là cái trần nhà. Và cả nhà chính, buồng, nhà ngang đều có rương như thế. Người Huế đã sống chung với lũ hàng năm như thế. Và họ đã như thế hàng mấy trăm năm nay...

Thì năm nào mà Huế không lụt, mà không bị nước bò lên hỏi thăm. Cái rương/ rầm thượng ấy là cái cách mà người Huế sống chung với lụt, thích nghi với lụt. Tất nhiên, nói cho công bằng, ngày xưa lụt Huế nó cũng từ từ và... an nhiên như Huế, chứ bây giờ, đương không, uỵch phát, nước cuồn cuộn chảy về, không kịp chạy, đến mức có cô giáo dạy đại học sư phạm Huế ví: Nước lên nhanh như... trở mặt. Nhưng những cái rương ấy vẫn luôn hữu dụng.

Cái nhà lá mái Bình Định thì lại cũng độc đáo hơn nữa. Nó nhỏ và thấp, và họ lợp mái bằng... đất sét. Chính xác là tường trát đất sét (nhiều vùng nông thôn của ta cũng làm tường bằng đất sét, nhất là nhà trình tường của người Hà Nhì thì còn hết sức vĩ đại), nhưng lợp bằng đất sét thì tôi mới thấy ở nhà lá mái Bình Định. 

Cụ thể là họ lợp nhà làm 3 lớp. Lớp dưới cùng là đất sét, rồi tới phên tre, và trên cùng là tranh làm bằng cỏ tranh hoặc rạ. Nó xử lý vấn đề thuộc về thời tiết. Ai cũng biết khí hậu miền Trung khắc nghiệt, mùa hè thì nóng chảy mỡ, mùa đông thì lạnh cắt da. 

Cái nhà này, mùa hè thì mát mà mùa đông thì ấm. Nó xử lý vấn đề cháy nhà nữa. Nhà tranh, nỗi ám ảnh lớn nhất là cháy. Hở ra là cháy, nhất là ở cái vùng mà, để chống cái lạnh, thì họ hút thuốc như một cách giữ ấm. Và nhiều công dụng khác nữa.

Những kiểu nhà ấy, nó hài hòa khiêm nhường trước thiên nhiên nhưng lại cũng rất tự tôn và kiêu hãnh, khẳng định sự tồn tại của mình trong vũ trụ dù nó chỉ là một chấm hết sức li ti trước tự nhiên vĩ đại. Nó cùng, và giúp, con người sống một cách an nhiên trước những khốc liệt của tự nhiên. 

Và khi đã hòa hợp được với tự nhiên, trở thành một phần của tự nhiên, đừng nhăm nhăm chinh phục, nhăm nhăm chống, nhăm nhăm cải tạo... chúng ta sẽ được tự nhiên chấp nhận làm bạn bè, sẽ sống hiền lành như con kiến con ong con chim con cá. 

Trước khi tự nhiên có việc gì biến động, đa phần một số con vật đều được... báo trước. Và những người có thì thường nhìn con vật để biết tự nhiên. Những người kiêu căng không biết điều này. Họ ưỡn ngực đón gió đón bão...

Lại nói bão, dân Quảng Nam, nơi từng đón những cơn bão kinh hồn khiến hàng trăm người chết, bà con có cách làm... hầm trốn bão. Tôi hình dung nó như những căn hầm trốn bom ngày xưa, có sẵn giường phản và đồ dùng thiết yếu. 

Bão to về là cả nhà, có khi cả hàng xóm nữa, chui xuống đấy, có thể ở cả tuần. Tránh voi chả xấu mặt nào, huống hồ là... bão.

Trong bão vừa rồi, rất nhiều cư dân mạng những hình ảnh nhà cao tầng mà rùng mình, những tấm kính đổ ụp tới áo quần bay phấp phới ra ngoài từ những ô cửa cao tít trên trời...

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.22610 sec| 658.125 kb