Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đừng đợi ai mang hạnh phúc đến cho mình

Đừng đợi ai mang hạnh phúc đến cho mình
Đã có một cuộc chuyển dịch lớn trong vai trò của người vợ thời nay. Những người đàn ông đang sống trong tư duy của thế kỷ 18 có lẽ nên nghĩ cho kỹ khi dự báo đến năm 2034, tức là chỉ 10 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ thừa ra 1,5 triệu nam giới. Đến năm 2050, con số đó sẽ là 4,3 triệu. Nhiều người đàn ông sẽ bị "ế sưng mặt" nếu không thay đổi, nâng cấp bản thân mình.

Đừng đợi ai mang hạnh phúc đến cho mình
Ảnh minh hoạ.

Vợ tôi cùng lúc quản lý 2 doanh nghiệp Rèm và Giặt, thu nhập của vợ gấp cả chục lần thu nhập của tôi. Mà những phụ nữ như vợ tôi, hơn vợ tôi thì nhiều lắm. Nhiều người trong số đó đã ly dị chồng vì họ không thể sống với những người đàn ông kém cỏi hơn họ. 

Cái "kém cỏi" ở đây không phải đo bằng số tiền kiếm được mà là trong nhận thức, ý chí, kém sức trong lao động và kém cạnh trong bản lĩnh.

Đàn ông của Hôm Qua, những người tự cho mình là trụ cột trong gia đình về kinh tế. Nhưng phụ nữ của Hôm Nay đã có thể tự lập về kinh tế nên chữ "Tế" họ cần hơn là Tinh Tế. Hơn cả vậy, những phụ nữ Hôm Nay không chỉ quẩn quanh xó bếp mà tham gia vào nhiều hơn, nên họ "đòi hỏi" ở người đàn ông thêm một chữ "Tế" nữa, là Tử Tế. 

Phải, họ đòi hỏi đấy! Bởi họ xứng đáng được đòi hỏi một người đàn ông chất lượng thay vì chỉ cần anh ta là đàn ông.

Những cuộc bền vững luôn là những cuộc hôn nhân giữa hai con người chất lượng tương xứng. Kinh tế không quyết định vai trò người chồng như xưa nữa. Hiếm có người phụ nữ nào trong thời đại này còn yêu đàn ông chỉ vì anh ta giỏi nhất việc kiếm tiền. 

Bởi phụ nữ không phải là "món đồ" đàn ông mua về làm vợ. Nhiều người đàn ông nói với tôi: "Làm chồng thời nay khó quá!". Tôi công nhận! Bởi độ khó của việc làm chồng thời nay nằm ở việc phụ nữ thời nay đã chẳng còn là phụ nữ thuở cam chịu, chấp nhận hy sinh không đáng.

 Phụ nữ của thời đại 4.0 rồi chứ không còn là phụ nữ của thuở "nâng khăn sửa túi", "phu xướng phụ tuỳ", "phận thê, kiếp thiếp". Thậm chí, số phụ nữ ly hôn ở "tuổi xế chiều" cũng tăng chóng mặt khi mà họ chọn một "bữa xế" được chiều chuộng bản thân mình sau nhiều năm tháng nín nhịn, nuốt vào trong. Khi mà những thứ họ phải chịu không còn chỗ để đựng nữa.

Làm vợ thời 4.0

Vợ của thời 4.0, tôi tạm dịch ra là có 4 chữ "không":

- Không phụ thuộc vào tài chính của chồng.

- Không coi làm mẹ là công việc toàn phần.

- Không coi mẹ chồng như mẹ đẻ.

- Không chờ đợi người khác mang hạnh phúc đến cho mình.

Chữ "không" thứ nhất chúng ta đã thấy ở phần đầu bài viết. Chữ "không" thứ hai đến khi mà nhiều phụ nữ nhận thức đầy đủ hơn trong việc làm mẹ. Đã xa rồi cái thời phụ nữ nghỉ việc để ở nhà , kiểu như sinh con ra là lui về "hậu cung". 

Những thứ gọi là "cá chuối đắm đuối vì con" vẫn còn nhưng nó được hiểu theo một cách khác. Là vẫn dốc lòng vì con nhưng không vắt kiệt mình. Họ ý thức một cách đầy đặn về việc làm mẹ là tấm gương cho con. Một người mẹ chăm chỉ lao động sẽ tạo ra những đứa con chăm chỉ học tập.

 Một người mẹ thành đạt sẽ giúp con hướng tới thành công như mẹ. Một người mẹ biết chăm sóc bản thân sẽ giúp con luôn tự chăm sóc bản thân. Làm mẹ thời nay là làm gương cho con. Nên nếu một người mẹ bỏ cả thế giới để chỉ con con cái cái có thể sẽ khiến con gái của mình học theo như thế mà bỏ hết đi mọi đường chân trời, đứa con trai sẽ học mẹ mà xem nhẹ phụ nữ, coi phụ nữ chỉ làm việc nhà, sinh con, nuôi .

Chữ "không" thứ ba vốn là từ mâu thuẫn giữa mẹ chồng- nàng dâu. Việc coi mẹ chồng như mẹ đẻ có thể khiến mâu thuẫn tăng lên khi cứ nhân danh "máu mủ ruột rà" mà đối xử với nhau không giữ ý tứ. 

Ở đây xin nói rõ, việc không coi mẹ chồng như mẹ đẻ không mang ý người dưng nước lã mà là họ trân trọng mẹ chồng, ứng xử với mẹ chồng tương kính như ứng xử với người hơn tuổi.

Có sự biết ơn vì đã sinh ra người đàn ông của họ, biết ơn hơn nếu mẹ chồng giáo dục con trai tốt. Tình cảm vốn là thứ nhiều năm vun đắp, nuôi trồng chứ không phải chỉ một đám cưới là mọc lên ngay một tình cảm, mà còn là tình cảm ruột thịt.

Và chữ "không" cuối cùng cũng chính là lời chúc của tôi dành cho những phụ nữ đang đọc bài viết này. Rằng không đợi ai mang hạnh phúc đến cho mình nhé! Hạnh Phúc là thứ có sẵn trong bạn rồi, hãy lôi nó ra mà dùng. Là Hạnh Phúc Tự Thân từ việc biết chăm sóc bản thân mình. 

Là Hạnh Phúc Lây Lan từ việc mang hạnh phúc ra với người đàn ông của mình, cùng nhau hưởng thụ hạnh phúc, thay vì chờ đợi anh ta mang hạnh phúc đến. Bạn là một Hạnh Phúc, xin nhớ giùm cho!

Đừng đợi ai mang hạnh phúc đến cho mình
Ảnh minh hoạ.
GÓC NHÌN VỀ PHỤ NỮ THỜI NAY

Bếp là Hạnh Phúc
Phụ nữ thời nay vẫn yêu bếp núc và rất nhiều người Hạnh Phúc khi được đứng trong gian bếp của họ. Càng giỏi giang ngoài đời, họ càng thích nấu nướng hơn vì họ tin rằng họ xứng đáng ăn những món ngon do chính tay họ nấu. Việc nấu nướng đôi khi còn là cách họ "xả xì-trét" sau những mệt mỏi ngoài kia.

Chồng con là Hạnh Phúc
Dù mạnh mẽ ra sao, kiệt xuất thế nào, những người phụ nữ hạnh phúc vẫn là những người phụ nữ sở hữu một gia đình chất lượng. Họ sẵn sàng làm tất cả nếu như người chồng của họ yêu thương họ. Với họ, chồng con thực sự là một hạnh phúc của đời họ.

Vị tha và bao dung
Họ vẫn đầy bao dung và vị tha cho dẫu cuộc sống có hiện đại đến đâu đi chăng nữa. Họ thông minh nên họ hiểu nhan sắc của một phụ nữ cũng nằm ở lòng vị tha và bao dung ấy. Những phụ nữ hạnh phúc luôn là những phụ nữ bao dung và vị tha là vì vậy.

Chăm chỉ và tin cậy
Phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay vẫn vậy: Chăm chỉ. Ở thời hiện đại, sự chăm chỉ ấy vẫn chưa khi nào biến mất. Thậm chí nó còn trở nên đáng tin cậy hơn khi họ sử dụng sự chăm chỉ đó trong công việc của mình. Đó cũng là lý do ngày càng nhiều phụ nữ thăng tiến trong công việc, trở thành người lãnh đạo.

Chung thuỷ sắt son
Phụ nữ Việt Nam là những người chung thủy, sống trọn tình vẹn nghĩa. Một khi bạn đã trở thành người đàn ông mà họ yêu thương thì không bao giờ họ mơ mộng đến những người đàn ông khác.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Link nguồn: https://phunuvietnam.vn/dung-doi-ai-mang-hanh-phuc-den-cho-minh-20240313143843892.htm 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.22223 sec| 651.242 kb