Vị lãnh đạo đi lên từ cơ sở nên nắm rất vững tình hình cán bộ cơ sở. Ông nói: Cán bộ cấp dưới mà cứ lựa cấp trên nghĩ gì để nói là nguy hiểm cho Đảng, đất nước. Một cán bộ vào họp tập thể nhưng lại cứ suy nghĩ vấn đề này ông thủ trưởng nói, suy nghĩ thế nào để mình nói phù hợp ý ông thì nguy hiểm.
Với câu này, ông đã bắt đúng "bệnh" của một bộ phận cán bộ hiện nay, “một bộ phận không nhỏ” như trong các báo cáo của chúng ta hay dùng.
Cán bộ lãnh đạo, tất nhiên, về cơ bản là những người tốt, giỏi hơn cán bộ cấp dưới cả về chuyên môn và khả năng quản lý, gương mẫu mọi mặt và chịu hy sinh, chịu thiệt thòi. Nhưng giờ, cứ nhìn các cuộc họp kiểm điểm bình bầu cuối năm thì thấy.
Đa phần lãnh đạo chủ trì sẽ đạt danh hiệu cao nhất. Cái câu từ ngày xưa “Cuốc xẻng từ dưới chia lên, đường sữa từ trên chia xuống” tới giờ dường như vẫn đúng. Và ý kiến lãnh đạo gần như là chân lý. Và nó lại có việc này nữa, góp ý, phản biện... sẽ bị quy là mất đoàn kết nội bộ.
Thế nên tốt nhất là... nương theo người đứng đầu.
Và vừa rồi, một số “người đứng đầu” của một số doanh nghiệp, bộ, ban, ngành nhúng chàm, chỉ trong ba vụ Việt Á, Chuyến bay giải cứu và AIC.
Nhiều khi ý kiến của "người đứng đầu" đó, nó chỉ là bất chợt ngẫu nhiên của mình chứ chả theo tham mưu nào.
Thành phố Pleiku có cái quảng trường, ngăn đôi một con đường chính của thành phố để làm. Điểm nhấn của quảng trường là tượng đài Hồ Chí Minh một bên, con đường ở giữa và bên kia là thảm cỏ.
Rất nhiều người đề xuất không nên ngăn đường, chỉ ngăn khi cần làm lễ, mà việc này năm thì mười họa mới có, còn lại mở để xe từ năm chỗ trở xuống lưu thông. Bởi lẽ, con đường này bị cấm dẫn đến việc quá tải của các con đường khác, và một cái ngã ba nhưng giờ đã thành ngã bảy. Cứ vào giờ cao điểm là tắc đường.
Mới đây có một cuộc hội thảo về 10 năm khánh thành quảng trường, việc mở đường cấm lại được đặt ra. Sở Văn hóa có hẳn tờ trình, vị cựu Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy có mặt cũng đề nghị, nhiều người tán thành tờ trình và đề nghị....
Nhưng người chủ trì, trong kết luận hội thảo, nói rằng năm giờ sáng hàng ngày tôi vẫn đi bộ ở đấy, có thấy tắc đâu. Xong, không ai bàn bạc gì nữa, coi như là kết luận.
Và vẫn như thế từ 10 năm nay, dân ngày càng đông, xe cộ ngày càng nhiều, đường vẫn tắc và càng tắc.
Chúng ta đề cao dân chủ, nhưng đi kèm với đó là đề cao quy chế để thực hành dân chủ.
Cứ từ vụ những vụ "đại án", với những sai phạm của người đứng đầu, nếu mà cấp dưới dám đấu tranh, dám nói có lẽ không "mất cán bộ", không xảy ra điều "đáng tiếc và đau lòng" như thế.
Khi vấn đề đã được nhận diện, chứng tỏ những tồn tại đã thành vấn đề là cần kíp phải sửa đổi, phải đưa ra công khai.
Tôi chứng kiến một Giám đốc Sở nghe điện thoại của Phó Chủ tịch tỉnh kém mình gần 20 tuổi mà cứ liên tục: “Dạ anh Ba, em nghe rồi, em cho anh em thực hiện ngay. Dạ dạ dạ, em cám ơn anh Ba”. Phó chủ tịch này sau đấy đã bị kỷ luật trong vụ FLC.
Bởi vậy, mới cần lãnh đạo giỏi, lãnh đạo biết tập hợp ý kiến cấp dưới và quyết định đúng trên cơ sở sự thông tuệ đánh giá đúng- sai, phù hợp- không phù hợp, sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm của cán bộ, lãnh đạo phải dựa trên sự đánh giá khách quan, phân tích toàn diện vấn đề chứ không phải là ý kiến chủ quan, duy ý trí.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.