Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tiền nhiều để làm gì?

Tiền nhiều để làm gì?
Từ hồi một ông đại gia cà phê Tây Nguyên thốt lên câu cám cảnh này khi ngồi trong phiên tòa ly hôn của mình, dân ta hay dùng nó để nhắc trong những hoàn cảnh giễu nhại.

Khi ông đại gia nói câu ấy, chắc ông ấy thực lòng chứ không giễu nhại, dẫu vợ chồng ông ấy ly hôn phải chia nhau nhiều tỉ, và cãi nhau căng thẳng khi ông đại gia đề nghị quy toàn bộ tài sản ra tiền và chia theo tỉ lệ 7-3, ông ấy 7 vợ 3, để chứng tỏ, tiền nhiều để... làm rất nhiều việc...

Cũng như thế, mới đây là cuộc ly hôn cũng đình đám của một cựu với một đại gia. Đình đám không phải bởi cuộc ly hôn, dẫu ly hôn đại gia với nó cũng... khác người thường lắm, mà đình đám ở khoản chia tài sản hậu ly hôn. Nó là số tiền rất khủng mà người trần mắt thịt như tôi đọc mãi cũng không hết con số, không hình dung nó là bao nhiêu...

Thế nên đến cái vụ Vạn Thịnh Phát vừa rồi, khi mà hàng ngày báo chí đưa tin theo công bố của thì... nhiều người hoa mắt. Đã có người làm phép tính con số 1 triệu tỷ đồng và đem so với thu nhập bình quân của một người để ra một phép tính.

Và cái kết cục của bà Trương Mỹ Lan và những người liên quan chúng ta đã biết. Và sẽ còn được biết.

Tức là cái câu “Tiền nhiều để làm gì” hầu như đã có lời giải.

Tiền nhiều để làm gì?
Những con số "xưa nay chưa từng có" trong vụ Vạn Thịnh Phát.

Nhưng là nói thế, chứ đất nước vẫn rất cần những người giàu. Tất nhiên là giàu chính đáng. Nói gì thì nói, người giàu vẫn phải là người rất thông minh, rất quyết đoán, rất giỏi tạo cơ hội và chờ cơ hội. Chính họ vừa là động lực vừa là tác nhân để phát triển.

Nhớ năm nào đó, vừa đổi mới, một lãnh đạo cấp cao chúc tết đồng bào cả nước có câu: “chúc bà con làm ăn phát đạt” đã khiến bao nhiêu người mừng, bởi trước đấy, có một tâm lý là... ghét người giàu. Không biết các nước khác có không, chứ nước ta từ xưa, cả trong truyện cổ tích, cứ giàu là bị ghét. 

Nhưng lại cũng ở nước ta, có vẻ như những người giàu chính đáng, giàu bằng chính tài năng, thực lực của mình ít quá. Một loạt các đại gia khi vướng vòng lao lý thì bà con mới biết “bộ mặt thật” của họ. 

Các đại gia vướng vòng lao lý, một thời rực rỡ trên tất cả các nền tảng, như bố con ông Trần Quý Thanh Tân Hiệp Phát, như anh em nhà Trịnh Văn Quyết FLC, như Tân Hoàng Minh, rồi Nhàn AIC... và giờ Vạn Thịnh Phát, thì ta mới thấy phía sau họ sự thực là như thế nào? Cũng sáng nay ngồi, một ông kỹ sư xây dựng phải dùng trên để tính số tiền bà Lan chiếm đoạt chiếm bao nhiêu phần trăm GDP mà tính mãi không ra, search trên mạng thì nó là “Số tiền chiếm đoạt lớn tới mức tương đương tổng tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam cộng lại, khoảng 13,2 tỷ USD. Và nếu quy đổi ra tiền mệnh giá 500 nghìn đồng, nó có thể xếp kín khoảng 840 Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình...." Tôi lại vẫn mù đặc và không tin cũng như không biết con số này cụ thể nó như thế nào?

Chúng tôi có một nhóm về hưu chơi với nhau, sáng nào cũng ăn sáng cà phê, xong về làm việc vặt trong nhà, đọc sách, viết lách hoặc... phụ vợ nấu cơm. Và anh nào cũng khai thật là, vợ nhét vào ví cho mỗi tháng vài triệu quỹ... trắng (chứ không đen như ngày xưa), công khai, mà tiêu mãi không hết. Đến một lúc nào đấy, khả năng tiêu tiền không nổi nữa, con người lại trở về thời trẻ con, thời bằng không, thì quả là câu hỏi “tiền nhiều để làm gì?” lại vang lên.

Biết đủ là đủ, tự mình cân bằng mình, tự mình điều tiết mình, an nhiên tự tại... thì đến lúc, tiền nó chỉ còn là cái gì đấy, tương đương... tiền, là phương tiện để mình hạnh phúc chứ không phải mục đích của hạnh phúc.

Ôi nhưng có phải ai cũng nghĩ như thế đâu?

Và những vụ án vừa qua, không kể đại gia, rất nhiều cán bộ bự của ta, các “lò viên” với cổ tay gắn còng, đi đâu có người dắt, ngủ có người canh, ăn có người mang tới ... nó đều là sản phẩm, là hệ quả của... tiền bẩn, dẫu tiền triệu đô được bỏ trong thùng xốp như cá vụn, hay nhẹ hều câu “tớ cảm ơn” khi nhận túi chật ních cũng tiền đô...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23005 sec| 633.625 kb