Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Ngày mai khai giảng

Ngày mai khai giảng
Năm nay, hy vọng ngành giáo dục sẽ có cách để tổ chức ngày khai giảng thân thiện và phù hợp nhất với từng trường, từng lứa tuổi.

Sáng qua tôi ngồi uống cà phê với một nhóm giáo viên, có cả hiệu trưởng và hiệu phó một trường cấp 2, nay là trung học cơ sở, các cô nói nhiều về ngày khai giảng năm nay. Cô hiệu trưởng kể, năm nay trường cô làm đơn giản nên rất khỏe, chứ các năm trước khổ lắm, đến cái... phát biểu cho cấp trên cũng phải chuẩn bị. 

Hỏi năm nay thế nào, cô bảo: Đầu tiên là đón học sinh đầu cấp, cô chủ nhiệm và 1 bạn cuối cấp sẽ ôm bó hoa thật to ra đón các bạn đầu cấp, lúc này đã tập trung ngoài cổng, cả trường sẽ đồng loạt chào đón các bạn. Các bạn vào ổn định thì bắt đầu phần lễ, sẽ diễn ra trong... 20 phút. 

Hiệu trưởng đọc diễn văn ngắn, chào mừng năm học, chào mừng các em học sinh, cám ơn các em, cám ơn phụ huynh, cám ơn các thầy cô, cám ơn đại biểu, rồi hiệu trưởng... đánh trống (mừng quá vì mấy năm qua một số bác đại biểu đánh trống xong thì... sự cố, nên có người còn đề nghị, ngày này nên để chính bác lao công đánh trống, vừa đúng chức năng lại vừa ghi công bác ấy).

Xong phần lễ thì các đại biểu về, học sinh chiếm lĩnh phần hội. Phần này của chính các cháu, thầy cô có tham gia thì cũng chỉ là phần phụ, để chào mừng học trò.

Rồi vào học, tất cả lễ và hội khai giảng được diễn ra trong 2 tiết.

À năm nay còn cải cách lớn nữa là... không, hoặc rất ít bóng bay. Nhớ trước, ngày này bóng bay rợp trời, thi thoảng lại nghe chỗ này nổ bóng bay nơi kia bóng bay nổ.

Cũng năm nay, một số trường vận động được, hoặc chính các đại biểu bỏ tiền túi, trao quà cho học sinh khó khăn.

Ôi thế thì có sự cải cách thật sự rồi.

Ngày mai khai giảng
Học sinh cả nước sẽ bắt đầu năm học mới 2024-2025 sau lễ khai giảng vào sáng ngày 5/9.

Lâu nay, không biết từ thời nào, việc khai giảng có vẻ như là dành cho... lãnh đạo. Từ trước ngày khai giảng cả tháng, thầy trò đã phải tập đủ thứ, văn nghệ chào mừng, nghi thức đội, tặng hoa, xếp hàng hoan hô, vẫy hoa, bóng bay... và đối tượng để phục vụ đều nhằm vào lãnh đạo.

Rồi đến ngày khai giảng thì thầy trò, nhất là trò, kể cả các cháu cấp 1, phải đi từ sớm, mặc nắng mặc mưa, xếp hàng và... chờ.

Lãnh đạo đến, đi giữa hai hàng các cháu như những ông vua. Rồi những màn kính thưa vô cùng dài dòng, đứng lên ngồi xuống vỗ tay như máy, lên đọc bài phát biểu (viết sẵn, dùng để đọc nhiều nơi), nhiều ông đọc rất dài, các cháu đứng dưới hoàn toàn không hiểu ông đọc gì, nói gì. Thậm chí ông là ai các cháu cũng chả biết. 

Tôi đã kiểm tra và thấy rằng, thậm chí các cháu học sinh cấp 3 cũng rất nhiều cháu không biết ông lãnh đạo đang "đọc bài phát biểu" trên bục là ai?

Thường thì lãnh đạo địa phương ít mà trường trong khu vực được phân công đến dự đông nên xảy ra hoạt cảnh là... chờ. Điện thoại liên tục để... dò xét sếp đến đâu rồi. Các cháu đứng mãi thì mỏi, ngồi xuống đợi. Khi nghe xe lãnh đạo sắp tới, các thầy cô ra hiệu lệnh thế là à ào đứng dậy. Có nơi còn bị " giả" đứng lên ngồi xuống đến mấy lần...

Tóm lại là, lâu nay chúng ta đã biến cái ngày khai giảng, hay ngày "toàn dân đưa trẻ đến trường" thành ngày học trò đón lãnh đạo đến thăm trường. Nó vô cùng hình thức, mệt mỏi và cả tốn kém.

Chủ thể chính của lễ khai giảng là các cháu học sinh lại bị biến thành những người phục vụ, căng cứng và thờ ơ, các cháu chỉ mong nhanh xong lễ để vào lớp, khỏi nắng, khỏi mưa, khỏi phải nghe những điều các cháu không hiểu, hoặc đã nghe quá nhiều lần...

Ngay truyền thông báo chí, nhất là truyền hình, thì cũng chỉ đi theo lãnh đạo để đưa tin. Trường nào có lãnh đạo về phát biểu khai giảng, chỉ đạo, căn dặn, đánh trống... thì dồn dập xuất hiện hình ảnh trên báo chí, tv, trường nào không có lãnh đạo thì cũng không có suất... ti vi. 

Mà các cháu rất nhạy cảm, nó chả biết ông nào về, nhưng thấy trường được "lên" tivi thì oách hơn trường không được "lên" tivi.

Còn nhiều hệ lụy của cái kiểu khai giảng trống giong cờ mở để... đón lãnh đạo và nghe diễn văn nữa, khiến cho cái ngày lẽ ra là rất vui trong đời học trò, nhất là những cháu đầu cấp, đặc biệt là lớp 1, trở nên khiên cưỡng, nặng nề...

Năm nay, hy vọng ngành giáo dục sẽ có cách để tổ chức ngày khai giảng thân thiện và phù hợp nhất với từng trường, từng lứa tuổi. Lãnh đạo đến là rất tốt, là hoàn toàn đúng, nhưng hãy là những nhân vật phụ, làm tôn các chủ thể của lễ là các cháu học sinh lên, để các cháu có một khai giảng nhớ đời, để mà trong ký ức non tơ của mình các cháu xác nhận: đúng là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, đúng là ngày khai giảng...

Và như thế thì rõ ràng, ngày khai giảng là của Trò và Thầy...

Cũng năm nay, thay vì học trước như mọi năm, bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch tựu trường chung cho các tỉnh, tuyệt đại bộ phận là ngày 22/8. 

Đây không phải là học trước mà là cả giáo viên và học sinh trở lại trường, chuẩn bị các thứ cho năm học mới, chuẩn bị lớp học, làm quen trở lại môi trường học tập sau mấy tháng hè, nhất là các cháu học sinh đầu cấp...

Và hy vọng, chúng ta sẽ có một khai giảng đúng nghĩa, khai giảng thực chất, khai giảng vì môi trường học tập, vì thầy cô giáo và học sinh chứ không vì... đại biểu, không vì để nghe những diễn văn lê thê và cả không vì... lên tivi...

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23954 sec| 645.766 kb