Một là chuyện thi vào lớp 10 ở Thái Bình.
Sáng hôm qua, 20/8, tỉnh Thái Bình tổ chức họp báo về bất thường trong kỳ thi vào lớp 10 ở tỉnh này. Trước đó, sau khi có đơn tố cáo của phụ huynh, tỉnh Thái Bình đã làm một việc hết sức hãn hữu, tức ít xảy ra, là đình chỉ công tác của giám đốc sở giáo dục tỉnh này để thanh tra, sự việc diễn ra rất nhanh ngay sau khi có đơn tố cáo, nó chứng tỏ quyết tâm rất cao của tỉnh này để xử lý những hiện tượng tiêu cực (nếu có) trong thi cử.
Và hôm nay, sau hai chục ngày thanh tra, tỉnh Thái Bình họp báo công bố kết quả. Và không thể tin được, hầu hết các hội đồng thi đều có thí sinh bị lệch tổng điểm. Hàng trăm thí sinh từ trượt thành đỗ và ngược lại.
Theo đó, con số chính xác là: "Tổng số bài thi tự luận bị sai điểm là 2.769 bài; trong đó: 1.368 bài thi có điểm cao hơn điểm đã công bố, 1.401 bài thi có điểm thấp hơn điểm đã công bố.
Tổng số thí sinh bị sai tổng điểm xét tuyển là 1.589 thí sinh; trong đó 781 thí sinh có tổng điểm xét tuyển cao hơn tổng điểm xét tuyển đã công bố, 808 thí sinh có tổng điểm xét tuyển thấp hơn tổng điểm xét tuyển đã công bố.
Và, theo Thanh tra tỉnh Thái Bình, sau quá trình thanh tra, đoàn thanh tra xác định điểm chuẩn mới xét tuyển đợt 1 có sự thay đổi tại 4/12 lớp chuyên và 11/29 Hội đồng tuyển sinh các Trường THPT đại trà".
Vân vân.
Đúng là không thể tin được.
Mà những cuộc thi như thế này, tốn rất nhiều công, của, thời gian của xã hội, của các ban ngành. Và trên hết là tâm lý của cả thí sinh và phụ huynh. Giờ tơ hơ ra như thế, bao giờ lấy lại được niềm tin của người trong cuộc, đặc biệt là các cháu học sinh, đang hết sức phơi phới tin tưởng lạc quan trong veo thế?
Trong cùng thời gian thì dư luận xôn xao việc năm nay có ngành học mà đạt tới 9,7 điểm một môn vẫn trượt. Và đặc biệt, khác các năm trước đấy, điểm đầu vào các ngành công an, quân đội rất cao thì năm nay các ngành sư phạm, đặc biệt là sư phạm Ngữ văn, sư phạm Lịch sử và sư phạm Địa lý cao vọt. 2 ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đạt mức 29,3; cao hơn mức điểm chuẩn cao nhất của năm ngoái 0,88 điểm (ngành Sư phạm Lịch sử - 28,42 điểm).
Ngành báo chí truyền thông đầu vào cũng rất cao.
Tuy thế, tại cuộc họp ủy ban thường vụ Quốc hội vào chiều 19/6 các đại biểu lại cho rằng, "Bây giờ nhiều khi thi vào đại học còn dễ hơn rất nhiều so với tuyển sinh vào lớp 10, lớp 6...".
Tức ngành nào, trường nào cao thì cứ cao, khó thì cứ khó, nhưng đại trà thì vẫn... đại trà. Trưởng ban công tác đại biểu quốc hội Nguyễn Thanh Hải so sánh "Việc này khác hẳn với anh em chúng ta ngày xưa, thi khối A, khối B, khối C, thi vào trường có điểm chuẩn rất rõ ràng". Bà Hải là phó giáo sư, tiến sĩ Vật Lý.
Thì nhân bà Hải nhắc ngày xưa, nói lại bảo khoe, tôi cũng là học sinh giỏi văn liên tục nhiều năm phổ thông, nhưng điểm 8 là vô cùng ít ỏi nếu không muốn nói là không dám mơ trong suốt năm học. Có chuyện này cũng nhiều lần tôi kể rồi, ấy là tôi có tới 2 lần thi vào khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và môn văn đều... 1 điểm. Tất nhiên lý do không phải do tôi... dốt mà do tôi cãi đáp án.
Để thấy, bây giờ mà điểm thi văn cứ tơi tới như thế thì đành bái phục, con cái chúng ta giỏi thật, học sinh bây giờ giỏi thật. Và cũng... mừng thật.
Nhưng lại có một thực tế là, dẫu điểm văn cao như thế nhưng cách dùng tiếng Việt, chữ Việt ngày càng tệ, không chỉ ngoài đời, mà ở ngay một số công văn chính thống và cả trên báo chí. Tôi hàng ngày có mục "Điểm tin" trên facebook cá nhân, nhiều khi rất... đau lòng khi phải điểm một cái tít báo ngớ ngẩn, một đoạn văn sai cả nghĩa lẫn ngữ pháp trong bài báo nào đấy. Cũng năm nào đấy, tôi phát hiện ngay trong một cái công văn ngắn của một sở giáo dục tới mấy lỗi. Và, ngay cả một số đề thi văn cũng sai be bét từ chính tả tới ngữ pháp và nội dung.
Trở lại cuộc họp báo của tỉnh Thái Bình về những sai sót trong kỳ thi vào lớp 10 hôm qua, rất may mắn là, và mừng là, phó giám đốc sở Giáo dục Thái Bình khẳng định, "không có tiêu cực trong sự việc sai sót nghiêm trọng này", và sở đang nỗ lực khắc phục hậu quả sai sót để đảm bảo quyền lợi các em học sinh, đồng thời đảm bảo khung thời gian năm học mới.
Và cũng theo thanh tra tỉnh Thái Bình, thì họ đã đề xuất gia hạn thời gian đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, để tiếp phục vụ công tác thanh tra.
Và phó giám đốc sở Giáo dục đã gửi lời xin lỗi đến các học sinh, phụ huynh và người dân trong tỉnh.
Tuy thế, dư luận phụ huynh tỉnh này vẫn chờ kết luận cuối cùng.
Và chúng ta cũng chờ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.