Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Nữ sinh tự tử ở An Giang: Những người lái đò đánh chìm khách qua sông

Nữ sinh tự tử ở An Giang: Những người lái đò đánh chìm khách qua sông
Nữ sinh lớp 10 ở An Giang tìm đến cái chết có thể là chuyện hi hữu. Nhưng, những người lái đò tự đánh đắm con thuyền chở tri thức của mình, tiếc thay lại không ít.

Em N.T.N.Y., học sinh lớp 10 trường THPT Vĩnh Xương, An Giang, đã tự tử ngay tại trường với mong muốn sau cái chết của mình, các thầy cô sẽ đối xử tốt hơn với những bạn học sinh khác. May mắn, em Y. không chết, và có lẽ cũng vì thế, cô chủ nhiệm của em cũng chưa cảm thấy có chút ân hận nào.

Bằng chứng là trong lúc Y. nằm viện, cô đăng một dòng trạng thái đầy mỉa mai, giễu cợt hành động tự tử hụt của cô học trò. Cô không thấy mình sai, như cách cô lặp đi lặp lại việc phê bình nạt nộ Y. mặc áo dài mỏng trước cả lớp khiến Y. xấu hổ với bạn. Cô như một người lái đò không có ý định chở khách qua sông. Ai lên mặc ai, ai xuống mặc ai, ai chìm mặc ai, ai biết bơi thì tự bơi qua bờ, ai không biết bơi mà chấp chới rồi đuối nước cô cũng kệ. Cô không xem việc lái đò là nhiệm vụ của mình, dù tay cô cầm mái chèo.

Nữ sinh tự tử ở An Giang: Những người lái đò đánh chìm khách qua sông
Nữ sinh điều trị tại Nhi đồng 2.

Câu chuyện về cô giáo Huỳnh Thu H. nói trên rất tiếc lại không hiếm trong nền giáo dục Việt. Bằng chứng là trên các , cư dân mạng nhân chuyện em N.T.N.Y mà trút xả bao nhiêu ẩn ức thời đi học. Có những ẩn ức chỉ là một kỷ niệm buồn, có những ẩn ức thành vết sẹo, có những ẩn ức thành nỗi ám ảnh tâm lý khiến họ sợ hãi và căm thù trường học. Và, có cả những ẩn ức đã biến thành hành động, làm tha hóa con người.

Những đương kim học sinh và cựu học sinh đã cùng nhau kể chung một câu chuyện về những người lái đò cầm mái chèo “dìm chiếc thuyền đắm giữa sông”. Đó có thể là một người thầy trù dập học sinh đến cùng chỉ vì cậu học trò ấy không đi học phụ đạo như các thành viên còn lại của lớp. Đó có thể là một người thầy chăm chăm bắt lỗi trò và mỗi lần bắt được lỗi đều hả hê như tiêu diệt kẻ thù. Đó có thể là một người thầy thích nói về nhược điểm của học trò như một cách chỉ trích nghiệt ngã mỗi giờ lên lớp giảng bài. Đó có thể là một người thầy bêu tên tất cả các học trò vi phạm nội quy, trong đó có cả những học trò nghèo chậm đóng học phí mà chưa một lần hỏi người trò ấy lý do vì sao.

Nền giáo dục trọng thành tích luôn đi kèm với nêu gương và bêu gương. Người được nêu gương có thể nhờ đó mà ngày càng xuất sắc hơn, còn người bị bêu gương luôn cá biệt một cách bền vững từ năm này qua tháng nọ, với một nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi, thậm chí đeo bám suốt cuộc đời chỉ vì bị bêu tên trước đám đông, mà đám đông đó, ác thay, lại toàn là bạn học…

Suốt mấy chục năm trời, việc bêu gương trước cờ, trước lớp chưa bao giờ cho ra một hiệu quả tích cực. Nhưng lạ thay, nó được duy trì bằng sức mạnh của niềm tin sát khí, rằng: Roi vọt sẽ khuất phục được thói hư tật xấu. Những người thầy ấy dường như xem trường học như một gánh xiếc, giáo dục những con người bằng xương thịt với phần thưởng là kẹo ngọt “nêu gương” và hình phạt “bêu gương”. Họ không tin vào những khái niệm như cảm xúc, sự tổn thương, lòng tự trọng hay nhân phẩm của một đứa trẻ.

Thế nên mới đây, dù bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành quy định mới, nghiêm cấm việc phê bình học sinh công khai, nhiều trường học và nhiều thầy cô vẫn xem đó là một quy định “dân chủ quá trớn”. Người ta cho rằng đến phê bình cũng không được công khai thì biết phạt gì cho học sinh sợ.

Những thầy cô luôn lo lắng học sinh không sợ ấy thực sự cả đời dạy học chỉ có một mối quan tâm, đó là: “Làm thế nào để khuất phục được học sinh?” thay vì câu hỏi: “Làm thế nào để chinh phục học sinh?”. Và, mỗi khi họ áp dụng một hình phạt, cái họ mong muốn là: “Làm thế nào để mình hả giận?” thay vì “Làm thế nào để trò không tái phạm, tiến bộ dần lên?”.

Những người thầy ấy không dùng mái chèo của trọng trách cao cả để khua nước, đẩy thuyền đi đưa khách qua sông. Họ biến mái chèo thành cây gậy của phù thủy, thể hiện quyền uy và chứng minh sức mạnh, biến những vị khách thành kẻ hoặc phục tùng hoặc tự nhảy ra khỏi thuyền. Trong những cú chấp nhận nhảy ra khỏi thuyền ấy, có những người không hề biết bơi.

Nữ sinh tự tử ở An Giang: Những người lái đò đánh chìm khách qua sông
Báo cáo của sở GD-ĐT tỉnh An Giang chỉ ra những sai sót của nhà trường khiến lớp 10 uống thuốc tự tử.

Trước em N.T.N.Y., có thể đã có những em Y. khác mà báo chí, dư luận không biết tới. Sau em N.T.N.Y. cũng có thể sẽ còn nhiều em Y. khác. Những cô cậu học trò không biết bơi nhưng vẫn chấp nhận nhảy ra khỏi con thuyền tri thức vì không chịu nổi bạo lực tinh thần. Trong số đó, không phải ai cũng may mắn thoát chết như Y.

Đó không phải viễn cảnh mà là thực trạng đáng suy ngẫm, vụ nữ sinh tự tử đó như một giọt nước tràn ly. Khi còn tồn tại những người thầy, người cô mang danh dạy học mà coi thường việc “tải đạo”, nặng bệnh thành tích và chỉ dùng biện pháp duy nhất là trừng phạt, thì sẽ còn những người trò phải tìm đến cái chết để chứng minh cho nhân phẩm của bản thân.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23297 sec| 647.328 kb