Khi mạng xã hội phát triển với nhiều tính năng giải trí cao, đáp ứng nhu cầu nghe nhìn đơn giản, vui vẻ sau nhiều thứ bộn bề trong cuộc sống hay là thuận tiện trong mua bán theo thị hiếu tiêu dùng của mọi người…
Nếu chỉ dừng ở đó, không có những “idol mạng” phát sinh; không có những hot tiktoker lồng lộn trên thảm đỏ; không có những facebooker được tung hô như thánh thần; không có những “chiến thần" chốt đơn thì chẳng có chuyện vì câu view, thì vì tạo trend hay muốn làm người nổi tiếng mà tạo nên một sự bát nháo và nguy hiểm như hiện nay.
“Hé lô bà già cô đơn giữa trời đông” trở thành trend rỉ rả xuất hiện trên mạng xã hội và câu chuyện có Nờ-ô-nô thật sự khiến nhiều người ngao ngán về lối sống, cách hành xử và sự nguy hiểm của người trẻ máu liều bất chấp vì câu view.
Tại sao họ phải bất chấp? Bởi càng nhiều view, càng nhiều người theo dõi kênh sẽ càng có nhiều nhãn hàng, thương hiệu tìm đến quảng cáo. Con số thu nhập không hề nhỏ. Họ lại càng được tung hô như một người nổi tiếng. Hấp lực đó dẫn dụ lòng tham của con người ta một cách kinh khủng.
Nhưng, mới đây cộng đồng mạng lại phát hiện clip Nô cùng bạn bè cười tươi tắn nói về trend “hé lô ba già” một cách cợt nhã. Clip khóc lóc lan truyền trên mạng nhưng như một giọt nước tràn ly bởi sự chân thành chỉ là nét diễn. Sự thành thật đã biến mất. Diễn một trò hề, và kéo màn của xì-căng-đan để còn mần ăn luôn là thủ thuật của họ. Tất cả như một bài ứng phó truyền thông, kéo dài thời gian để mọi thứ chìm vào lãng quên.
Tất cả những gì Nô hay nhiều người “nổi tiếng” trên mạng xã hội làm, kì thực chẳng qua vì cái hư ảo hão huyền từ không gian mạng đem đến. Một không gian mà đám đông sẽ quyết định mọi thứ. Đó chính là một thứ nguy hiểm khó kiểm soát.
Sự nguy hiểm còn kinh khủng đến độ mức chẳng còn đạo đức hơn nữa khi nhan nhản các clip trên mạng xã hội đưa tin tào lao về nghệ sĩ này chết, diễn viên kia qua đời. Dĩ nhiên đó toàn là tin vịt. Tin vịt của những kẻ mà lương tâm đi đến tận cùng của sự ráo hoảnh. Để làm gì? Chỉ một lý do duy nhất là câu view, câu like, thật nhiều chia sẻ, thật nhiều người vào bàn tán, thế là kênh họ nổi lên và mục đích cuối cùng đi bán hàng, đi quảng cáo. Một con đường ngắn nhất để đạt số lượng theo dõi cao và kiếm tiền nhanh.
Nhiều người vào "còm" khóc than và niệm chú cầu mong vãng sanh cho nghệ sĩ mà không cần tìm hiểu thêm điều gì. Đám đông luôn dễ bị giựt dây bởi sự thương cảm. Sự thương cảm vốn là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt mình, nay bị chính cái ảo danh lấp lánh mà hóa ra phản cảm và mất đạo đức trầm trọng. Rất nhiều nghệ sĩ gặp tình huống này phải nhờ báo chí can thiệp đính chính. Thậm chí với các nghệ sĩ gạo cội, có tuổi có tên lại càng dễ bị đem ra…tế sống.
Xã hội bây giờ phát triển, một cú nhấp chuột là tìm kiếm thông tin nhanh và chính xác. Vậy sao cứ “tay nhanh hơn não” đi khóc than với các tin tào lao từ các trang mạng ảo? Đấy chính là cách sống bị lệ thuộc vào tin rác, trò bẩn từ các “idol mạng” chẳng có lương tâm.
Sáng tạo nội dung phải tử tế, phải kiểm chứng và nên suy nghĩ trên bình diện rộng xã hội. Sự tiếp cận của mọi người sẽ khiến thông tin, câu chuyện được lan đi theo tốc độ chóng mặt.
Mới đây, một sự chia sẻ nguy hiểm từ các Tiktoker gần đây khiến cộng đồng dậy sóng, giới y khoa phải vào cuộc đó là câu chuyện dán băng dính vào miệng khi ngủ. Clip của 1 Tiktoker chia sẻ kinh nghiệm dán miếng băng dính trên miệng khi ngủ đạt 5 triệu view. Sau đó là sự hả hê đắc thắng khi tạo được một xu thế mới.
Tìm hiểu kĩ thì “Dán miệng khi ngủ” là phương pháp Buteyko, xuất hiện vào những năm 1950 bởi bác sĩ Konstantin Pavlovich Buteyko. Trải qua 70 năm, nhiều kiểm chứng y tế đã chỉ ra nhiều điều rất hại khi áp dụng phương pháo này. Đó là điều mà không một “idol mạng” nào làm clip chia sẻ. Họ chỉ chăm chăm truyền bá để bán miếng dán, như một sự thần thánh hóa. Chỉ các bác sĩ thấy rõ nguy hiểm khôn lường từ sự quảng cáo bất chấp này lên tiếng. Khi đó, mọi người mới được cung cấp thông tin đầy đủ và chuẩn xác nhất.
Đã đến lúc nhìn nhận tất cả những điều này như một sự nguy hiểm. Nguy hiểm cho văn hóa ứng xử, nguy hiểm cho đạo đức xã hội và nguy hiểm cho chính người sử dụng mạng xã hội. Không thể vì cái lợi trước mắt mà thoái hóa đi bản chất con người của chúng ta.
Cho đến bao giờ những người làm sáng tạo nội dung, các Tiktoker, Facebooker, Youtuber mới tự ý thức tạo ra một môi trường sáng tạo văn minh, an toàn? Câu hỏi này kì thực cần sự thanh lọc mạnh bằng các biện pháp kỹ thuật, từ những người có trách nhiệm quản lý, từ chính những người dùng mạng xã hội thông minh biết tẩy chay cái xấu và từ chính sự kĩ càng chăm chút của những người sáng tạo nội dung.
Mạng cũng cần sạch.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.