Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tự chủ đồng tiền

Tự chủ đồng tiền
Độc lập, tự chủ nền kinh tế là chủ trương đúng đắn xuyên suốt qua các thời kỳ của Đảng và nhà nước ta. Độc lập, tự chủ trong đó có tự chủ về in tiền sẽ hạn chế phụ thuộc, tránh được những hệ lụy tiêu cực.

Năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng cho đúc tiền Thái Bình Hưng Bảo, đây là đồng tiền đầu tiên của Việt Nam. Từ đồng tiền này cho đến 1858, năm thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, dù có lúc tiền đúc bằng đồng, bằng kẽm thậm chí nhà Hồ đã in tiền giấy vì dồn đồng cho việc đúc chống giặc Minh thì nước ta vẫn độc lập, tự chủ về nguyên liệu, tạo mẫu, kỹ thuật và đều được đúc tại các xưởng trên đất Việt Nam.

Tuy tiền của các triều đại phong kiến có khác nhau nhưng cơ bản vẫn là biểu tượng của một nước Việt Nam độc lập. Khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, họ đã phát  hành tiền giấy, dập tiền kim loại để sử dụng trên toàn xứ Đông Dương, họ chỉ cho phép nhà Nguyễn đúc tiền đồng có mệnh giá nhỏ. Điều đó cho thấy thực dân Pháp nắm toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Nhận thấy vai trò quan trọng của đồng tiền riêng nên ngay sau khi đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát hành đồng tiền mới thay thế đồng tiền Đông Dương.

Công việc được giao cho ông Phạm Văn Đồng lúc đó là Bộ trưởng Tài chính. Dù muôn vàn khó khăn vì thù trong giặc ngoài nhưng được sự hỗ trợ của nhà tư sản yêu nước Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện cuối cùng giấy bạc Việt Nam được phát hành vào ngày 31/1/1946 từ Nam Trung Bộ trở vào sau đó là ở ngoài Bắc.

Tự chủ đồng tiền

Tháng 12/1946, thực dân Pháp gây hấn, quay trở lại xâm lược Việt Nam, chính phủ đã rút lên Việt Bắc kháng chiến chống Pháp. Ông Đỗ Đình Thiện đã mua đồn  điền ở Chi Nê Hòa  Bình, chuyển máy móc từ Hà Nội lên tiếp tục in tiền.

Từ năm 1946 cho đến năm 1951, tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa và tiền của vùng kháng chiến Nam Bộ hoàn toàn là của Việt Nam, từ vẽ mẫu, khắc bản in, giấy, mực, công nhân in. Ở những địa phương Pháp tạm chiếm, họ cấm và xử phạt người dân tiêu giấy bạc Cụ Hồ, song ở vùng tự do, vùng kháng chiến, người dân  vẫn sử dụng và yêu quý giấy bạc Cụ Hồ.   

Bạc Đông Dương: kẻ thương người ghét
Bạc Cụ Hồ: người nhét kẻ thu
Ra tay ta chống quân thù
Dù cho bay có đốt hết
Thì bạc chiến khu lại ...về !

Sau chiến dịch Biên giới thắng lợi, quân đội ngày càng lớn mạnh, vùng giải phóng mở rộng, ngày 6/5/1951, Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngân hàng có nhiệm vụ: “Phát hành giấy bạc ngân hàng, điều hoà lưu thông tiền tệ; Quản lý ngân quỹ quốc gia, quản lý ngoại tệ. Quản lý kim dụng bằng các thể lệ hành chính. Đấu tranh tiền tệ với địch”.  Người nói: “Thành lập được Ngân hàng Quốc gia và phát hành giấy bạc Ngân hàng là thắng lợi của ta về kinh tế”.

Tuy nhiên, do điều kiện kháng chiến thiếu thốn, khó khăn chồng chất, máy bay Pháp đánh bom nhà máy nên tiền Việt Nam không thể in trong nước, phải in nhờ ở Tiệp Khắc, sau đó là Trung Quốc.

Từ năm 1951 cho đến năm 1975, tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa có mệnh giá lớn đều in ở nước ngoài, chỉ mệnh giá nhỏ in trong nước. Trong suốt thời kỳ này, ngoại trừ mẫu tiền do họa sĩ trong nước vẽ còn lại, từ bản khắc kim loại, mực, giấy, đứng máy in đều phụ thuộc vào nước ngoài.

Trong điều kiện chống Mỹ cứu nước, việc nước Việt Nam dân chủ cộng hòa in tiền ở nước ngoài là tất yếu, khó tránh được. Phải thừa nhận, tiền in ở nước ngoài có độ bền khá cao, chất lượng khá tốt song có sai sót vì các họa sĩ vẽ mẫu không được tham gia chỉnh sửa bản khắc.

Tuy nhiên, do không kiểm soát được số lượng tiền in nên cho đến nay vẫn tồn tại nghi vấn số lượng tiền cung ra thị trường. Và sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ở Sài Gòn diễn ra tình trạng rất lạ, nhiều người dùng tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa mệnh giá 10 đồng mua vàng, giá nào cũng mua, kiểu vơ vét. Thực hư thế nào?

Khi cả nước sử dụng một đồng tiền thống nhất thì tiền Cộng hòa chủ nghĩa Việt Nam được in ở Cộng hòa dân chủ Đức. Từ giấy, mực, bản khắc đều do họa sĩ, thợ kỹ thuật nước bạn đảm nhiệm, đóng góp của người Việt chỉ là mẫu. Vì không chủ động được in ấn đã dẫn đến hệ lụy, lúc cần số lượng tiền lớn để đáp ứng yêu cầu chính trị hay nhu cầu của nền kinh tế thì phía bạn có thời điểm không đáp ứng được.

Trung tướng Vũ Hải Triều, nguyên Tổng cục  phó Tổng cục An ninh (Bộ Công an) nhận định: “In tiền ở nước ngoài có thể dẫn đến mất chủ quyền quốc gia, mình đặt họ in 1 tấn nhưng họ in 1 tấn rưỡi mình cũng không kiểm soát được. Khi mình cần gấp nhưng họ không in thì mình cũng bó tay”.

Để chủ động và tránh hệ lụy, năm 1984, chính phủ đã quyết định xây nhà máy in tiền mới. Vượt qua mọi khó khăn, năm 1991 nhà máy in tiền quốc gia khánh thành. Song nguyên liệu gồm giấy, mực in vẫn nhập, có bản khắc kim loại vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiệt, nguyên Cục trưởng cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an) từng ngồi trên máy bay ôm khư khư bản khắc từ Thụy Sĩ về Việt Nam.

Thực tế tiền dù in ở Việt Nam song giai đoạn này tiền giả xuất hiện, có thời điểm lên mức , làm mất lòng tin của người dân và phá hoại nền kinh tế. Và chỉ đến khi tiền in bằng chất liệu polymer, họa sĩ có điều kiện thiết kết bảo an cao thì tiền Việt Nam bị in giả mới hạn chế. Và tiền giả này dễ dàng bị phát hiện bằng mắt thường với người khiếm thính chỉ cần sờ bằng tay cũng biết.

Dù giải quyết được vấn nạn tiền giả nhưng nguyên liệu in vẫn phụ thuộc vào duy nhất nhà cung cấp ở Úc. Thế giới ngày nay vô cùng phức tạp, khó lường, nếu vì lý do nào đó, giấy polymer không thể nhập về Việt Nam thì lấy gì để in tiền mới thay thế đồng tiền cũ nát phải hủy?

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.49379 sec| 637.43 kb