Làm thế nào để xử phạt?
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (bộ LĐTB&XH), một người đặc biệt quan tâm đến những điều luật có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em - cho biết, Nghị định 117 có hiệu lực nhằm nhấn mạnh các điều khoản đã được quy định trong luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cũng giống như nhiều người, bác sĩ An băn khoăn về tính khả thi của Nghị định này. Lấy ví dụ về luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 cũng đưa ra vấn đề xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng nhưng cơ quan được giao nhiệm vụ xử phạt không rõ ràng, không có quy định sử dụng nguồn thu do xử phạt, ai chịu trách nhiệm..., nên không có tính khả thi. Người dân vẫn hút thuốc công khai nơi công cộng mà không ai dám phạt.
Bởi vậy, theo bác sĩ An, Nghị định 117 có hiệu lực thì người dân mong muốn rằng nếu ai ép uống rượu bia thì sẽ bị xử phạt. “Nghị định đưa ra rất đúng, nhưng tôi mong sẽ có quy định rõ là xử phạt thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm… Nếu không có kiểm tra, giám sát thì sợ rằng quy định mới này sẽ bị rơi vào tình trạng như luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trước đây”, nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nói.
Theo vị bác sĩ này, cần làm rõ khái niệm, định nghĩa như thế nào là hành vi ép buộc, điều này trong Nghị định không nêu rõ. “Phải quy định rất rõ thế nào là hành vi ép buộc, tiền phạt sẽ được sử dụng như thế nào... sau đó tuyên truyền rộng rãi thì quy định mới khả thi. Việc tuyên truyền sâu rộng, mạnh mẽ đến người dân là quan trọng, để họ hiểu được đó là hành vi sai trái cần lên án, đặc biệt hướng tới bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên khỏi bị lôi kéo, ép buộc vào uống, sử dụng rượu bia như hiện nay. Từ việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, sau này phạt tiền sẽ có tác dụng tích cực làm thay đổi hành vi”, vị bác sĩ nhận định.
Thách thức về mặt thực thi
Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) - đã có một số đánh giá về quá trình thực thi luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia kể từ khi Quốc hội bấm nút thông qua (14/6/2019) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 cho đến nay.
Bà Trang cho hay: “Về mặt triển khai luật của các cơ quan, các bộ ngành, các tỉnh cũng như công tác truyền thông cho luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được thực hiện rất nghiêm túc, đầy đủ. Nhờ đó, người dân bắt đầu có những chuyển biến tích cực, không còn tình trạng bị ép uống nhiều như trước. Điều này cho thấy Luật đã, đang bắt đầu đi vào cuộc sống”.
Nói về mặt hạn chế khi triển khai luật, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế cũng nhận định, đây là luật liên quan đến hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh, liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân nên phải chấp nhận có độ trễ nhất định. Đặc biệt, tại một đất nước có tỉ lệ 80% người dân sử dụng rượu bia như Việt Nam thì không thể buộc người dân tuân thủ 100% ngay lập tức mà đòi hỏi phải có quá trình tác động liên tục, với sự duy trì phối hợp giữa nhiều cơ quan.
“Để tránh tình trạng sau khi Nghị định được ban hành, việc triển khai được chú trọng nhưng chỉ được một thời gian sau đó lại bị trầm lắng, sao nhãng... thì cần phải có sự kiểm tra, giám sát liên tục và thường xuyên, đồng bộ thì mới đảm bảo tính khả thi, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả của quy định”, bà Trang nhấn mạnh.
Đồng thời, bà Trang cũng nêu đề xuất, để có sự đồng bộ thì cần giám sát việc thực hiện quy định không sử dụng hình ảnh trẻ em để quảng cáo bia rượu, nhằm mục tiêu hàng đầu là bảo vệ sức khoẻ của thanh thiếu niên và trẻ em. Các quảng cáo cũng cần được giám sát để đảm bảo không quảng cáo quá mức, nói quá lên các công dụng hoặc khuyến khích, thúc đẩy việc uống rượu bia.
Ngày 15/11 tới đây, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu bia tại địa điểm không được uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia.
Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc phạt tiền đối với hành vi xúi giục, kích động, ép người khác uống rượu bia là rất khó. Thậm chí, khó khăn trong việc để quy định đi vào thực tiễn.