Bộ Công an cho biết, qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007, công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đã đạt được nhiều kết quả. Đến nay, Bộ Công an đã tiếp nhận, xử lý 188 hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (đã chuyển giao 38 phạm nhân cho nước ngoài và tiếp nhận 05 phạm nhân về Việt Nam). Kết quả này góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho người đang chấp hành án phạt tù và nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân. Bên cạnh kết quả đạt được, quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong Luật TTTP năm 2007 và hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như sau:
Thứ nhất, Luật TTTP điều chỉnh chung cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhưng mỗi lĩnh vực lại có đối tượng, phạm vi điều chỉnh với tính chất đặc thù riêng, mục đích và nguyên tắc hợp tác khác nhau; cụ thể như: Nguyên tắc hợp tác TTTP trong Luật được quy định chung cho cả bốn lĩnh vực nhưng khi áp dụng vào từng lĩnh vực lại không giống nhau, bởi vì TTTP về hình sự xuất phát từ hoạt động tố tụng hình sự mang tính chất công quyền còn TTTP về dân sự lại xuất phát từ yêu cầu giải quyết vụ việc của cá nhân, pháp nhân mang tính chất tư; nguyên tắc trong TTTP về hình sự là trên cơ sở yêu cầu của nước yêu cầu còn chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù lại chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của người đang chấp hành án phạt tù hay việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong TTTP về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù có những yêu cầu chặt chẽ hơn so với TTTP về dân sự.
Thứ hai, chủ thể yêu cầu, chủ thể thực hiện, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các yêu cầu TTTP trong từng lĩnh vực hoàn toàn độc lập và khác nhau.
Thứ ba, từ phương diện quản lý nhà nước, Luật TTTP quy định giao Bộ Tư pháp làm đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước chung nhưng như trên đã đề cập mỗi lĩnh vực có đặc thù, nguyên tắc riêng, trình tự, thủ tục độc lập dẫn đến thực tiễn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan gặp bất cập, hạn chế; cụ thể: (i) Công tác quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp còn nặng về hình thức do chủ yếu chỉ được thực hiện thông qua hoạt động báo cáo trên cơ sở tổng hợp thông tin, số liệu từ các cơ quan đầu mối; (ii) Các cơ quan đầu mối trong từng lĩnh vực TTTP khác khó phát huy hết vai trò, trách nhiệm và sự chủ động trong quản lý, chỉ đạo công tác TTTP ở lĩnh vực riêng do mình phụ trách.
Thứ tư, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TTTP được thực hiện chủ yếu thông qua các điều ước quốc tế. Theo quy định của Luật TTTP, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Điều ước quốc tế năm 2016 thì từng bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực được giao phụ trách. Hiện nay việc ký kết các điều ước quốc tế về TTTP được tách riêng từng lĩnh vực độc lập, không điều chỉnh đa lĩnh vực như trước đây. Theo đó, Bộ Tư pháp chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế TTTP về dân sự, VKSNDTC chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế TTTP về hình sự, Bộ Công an chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Việc tách Luật TTTP, giao nhiệm vụ cơ quan đầu mối trong từng lĩnh vực cũng phù hợp với công tác ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế mà các bộ, ngành đang chủ trì.
Thứ năm, Luật TTTP hiện hành chưa quy định cụ thể, toàn diện các vấn đề liên quan đến chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Luật TTTP chưa có quy định cụ thể về: Cơ quan có trách nhiệm thông báo cho người đang chấp hành án phạt tù về quyền được chuyển giao; cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù gửi cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; điều kiện từ chối tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù; nguyên tắc chuyển đổi hình phạt; thẩm quyền xem xét lại bản án; hiệu lực của việc chuyển giao đối với Việt Nam và đối với nước ngoài; xác minh sự đồng ý của người đang chấp hành án phạt tù đối với việc chuyển giao; quá cảnh người đang chấp hành án phạt tù; thời điểm người đang chấp hành án phạt tù có quyền rút đơn xin chuyển giao; tạm đình chỉ xem xét yêu cầu chuyển giao; hủy bỏ quyết định chuyển giao; thời hạn tổ chức bàn giao người đang chấp hành án phạt tù; xử lý tình huống phạm nhân vừa được xem xét giảm án vừa trong quá trình xem xét chuyển giao; các tiêu chí đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù..., đặc biệt là vấn đề chuyển đổi hình phạt. Chuyển đổi hình phạt là một vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến chính sách hình sự và chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, do vậy, cần được quy định trong luật một cách cụ thể, chi tiết. Vấn đề này chỉ được quy định mang tính nguyên tắc tại Điều 58 của Luật TTTP nên khó áp dụng trên thực tiễn.
Các vấn đề liên quan đến việc ra quyết định chuyển đổi hình phạt của toà án rất phức tạp, trường hợp không quyết định chính xác có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đang chấp hành án phạt tù. Thực tế đã xảy ra trường hợp do hành vi mà người đang chấp hành án phạt tù thực hiện và bị xử phạt tù ở nước ngoài không tương đương với một cấu thành một tội danh cụ thể quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) của Việt Nam mà cấu thành tội phạm nằm rải rác tại các tội danh trong các điều luật khác nhau của BLHS hiện hành của Việt Nam nên khi ra quyết định tiếp nhận, Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã không ra quyết định chuyển đổi hình phạt mà giữ nguyên hình phạt của nước ngoài trong quyết định tiếp nhận.
Việc thiếu các quy định điều chỉnh các quan hệ xã hội trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đã làm giảm hiệu quả hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong thời gian qua (trên thực tế từ năm 2007 đến nay, Việt Nam mới chỉ tiếp nhận 05 công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù từ nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án phạt tù theo đề nghị của phía nước ngoài). Một số vấn đề đã được khắc phục trong Thông tư số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, đây chỉ là các quy định ở cấp Thông tư, giá trị pháp lý chưa cao. Vì vậy, các nội dung này cần được quy định cụ thể trong luật.
Thứ sáu, Luật TTTP được ban hành cách đây 15 năm nên một số quy định không còn phù hợp với các quy định của một số luật mới ban hành.
Thứ bảy, Luật TTTP quy định TTTP nói chung và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nói riêng được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế. Trường hợp không có điều ước quốc tế thì áp dụng nguyên tắc có đi có lại và pháp luật trong nước. Chính vì vậy, sự phù hợp giữa quy định của pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên là rất quan trọng. Điều này có ảnh hưởng đến việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Tuy nhiên, qua rà soát nhận thấy một số quy định của Luật TTTP không phù với pháp luật và thông lệ quốc tế, các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật TTTP năm 2007 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, cần thiết phải xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù để tạo cơ sở pháp lý hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Từ các căn cứ nêu trên, việc xây dựng dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là cần thiết.
Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù gồm 05 chương, 58 điều, cụ thể như sau:
Chương I (Quy định chung) gồm 12 điều (từ Điều 1 đến Điều 12), quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; áp dụng nguyên tắc có đi có lại; các trường hợp đặc biệt khi xem xét điều kiện về thời hạn chưa chấp hành án phạt tù; thời điểm người đang chấp hành án phạt tù có quyền rút đơn xin chuyển giao; ngôn ngữ trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; kinh phí trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự và việc công nhận tài liệu kèm theo yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; điều kiện hợp lệ của hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; quá cảnh người đang chấp hành án phạt tù.
Chương II (Tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam) gồm 20 điều (từ Điều 13 đến Điều 32), quy định về: Thông báo cho người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về quyền được yêu cầu chuyển giao; tiếp nhận đơn xin chuyển giao của người đang chấp hành án phạt tù; trao đổi thông tin, tài liệu với nước chuyển giao; lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; điều kiện tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam; các trường hợp từ chối tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam; tra cứu quốc tịch Việt Nam của người đang chấp hành án phạt tù; xác minh sự đồng ý của người đang chấp hành án phạt tù; hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; văn bản yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và các tài liệu kèm theo; tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam; quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam; chuyển đổi hình phạt; thi hành quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù; hủy quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù và quyết định thi hành quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù; áp giải người được chuyển giao; hiệu lực của việc tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù đối với Việt Nam; thực hiện thi hành án phạt tù đối với người đang chấp hành án phạt tù được tiếp nhận về Việt Nam; thông báo về tình hình chấp hành án của người đang chấp hành án phạt tù; đại xá, đặc xá hoặc miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Chương III (Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài) gồm 16 điều (từ Điều 33 đến Điều 48), quy định về: Thông báo cho người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam về quyền được chuyển giao; tiếp nhận đơn xin chuyển giao của người đang chấp hành án phạt tù; trao đổi thông tin, tài liệu với nước nhận; lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài; điều kiện chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài; các trường hợp từ chối chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài; hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; văn bản yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và các tài liệu kèm theo; tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài; quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài; thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; hủy quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và quyết định thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; áp giải người được chuyển giao; hiệu lực của việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đối với Việt Nam; xem xét lại bản án; đề nghị nước nhận cung cấp thông tin về tình hình chấp hành án của người được chuyển giao.
Chương IV (Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù) gồm 7 điều (từ Điều 49 đến Điều 56), quy định về: Trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Tòa án nhân dân các cấp; trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; trách nhiệm của Bộ Ngoại giao; trách nhiệm của Bộ Tư pháp; trách nhiệm của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; trách nhiệm của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.
Chương V (Điều khoản thi hành) gồm 02 điều (Điều 57 và Điều 58), quy định về: Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Theo Báo Chính phủ