Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đất đai thừa kế trong gia đình được phân chia như thế nào?

Đất đai thừa kế trong gia đình được phân chia như thế nào?
Hàng loạt những vụ án thương tâm xuất phát từ mâu thuẫn chia đất đai thừa kế liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây, hậu quả khiến cho gia đình tan vỡ, người thương tật, người mãi mãi ra đi, kẻ thì vướng vào vòng lao lý. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc phân chia phần di sản thừa kế này?

Đất đai được coi là phần di sản thừa kế có giá trị, đặc biệt trong cơn “sốt đất” thời gian trở lại đây. Cũng chính vì lẽ đó, rất nhiều trường hợp mâu thuẫn gia đình xảy ra do tranh chấp đất đai, làm cho gia đình tan vỡ, người mãi mãi ra đi, kẻ ra tù vào tội.

Hòa Bình: Nghi án 2 anh em ruột tử vong do tranh chấp đất đai

Thông tin được đưa trên Báo Lao Động, tối ngày 27/7/2022, lãnh đạo UBND xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ án mạng làm 2 anh em ruột tử vong. Nạn nhân được xác định là ông B.V.H (SN 1969) và ông B.V.D (SN 1972). Hai nạn nhân là anh em ruột, cùng trú tại xóm Mè, xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Theo lãnh đạo xã Vũ Bình, ông H. và ông D. từng nhiều lần xảy ra mâu thuẫn với nhau về chuyện tranh chấp đất đai. Đỉnh điểm là xảy ra xô xát đánh nhau và đã bị công an xã xử phạt hành chính.

“Khoảng 8h cùng ngày, sau khi phát hiện ông H với vết thương trên đầu, người nhà đã đưa ông H đi cấp cứu, tuy nhiên nạn nhân đã tử vong sau đó. Sau khi tiếp nhận thông tin, nghi ngờ vụ án mạng có liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa 2 anh em, cơ quan chức năng đã tiến hành tìm kiếm người em. Đến khoảng 19h cùng ngày, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể ông D trong tư thế treo cổ tại vườn cây phía sau nhà, cách nơi tìm thấy ông H vài trăm mét” - vị lãnh đạo này cho biết.

Lạng Sơn: Chú dùng súng bắn 16 phát đạn vào cháu ruột vì tranh chấp đất đai

Theo VOV, khoảng 16h ngày 27/1/2022, sau khi vào rừng săn bắt thú về đến đoạn ngã 3 Pò Deng, thuộc thôn Nà Đon, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, đối tượng Vi Văn Thoại (SN 1970, trú tại thôn Nà Đon, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) nấp sau bụi cây ven đường mật phục, dùng súng tự chế (súng kíp) có tra đầu đạn quân dụng bắn vợ chồng cháu ruột là anh V.V.B (SN 1991) và chị N.T.H (SN 1990) trú cùng thôn. Hai nạn nhân đã hô hoán và được người dân kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu. Chị H trúng 1 viên đạn, anh B trúng 16 viên đạn. 

Đất đai thừa kế trong gia đình được phân chia như thế nào?
Đối tượng Vi Văn Thoại tại . Ảnh: VOV.

Sau khi gây án, Thoại đã bỏ trốn sang Trung Quốc làm thuê. Ngày 12/2, Thoại quay về cùng vợ là Hoàng Thị Duyên lẩn trốn trong hầm gần nhà được đào từ trước ở khu đồi Khuổi Kẹn, thôn Nà Đon, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ khi Thoại về nhà lấy nhu yếu phẩm. Duyên biết tin chồng bị bắt đã bỏ trốn khỏi địa phương. Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ tang vật của vụ án gồm 1 khẩu súng tự chế, hơn 60 viên đạn, 233g đạn bi gang; 81,8g thuốc súng và nhiều tang vật liên quan.

Lâm Đồng: Lái ôtô tông 1 người chết, 3 người bị thương do mâu thuẫn đất đai

Người Lao Động đưa tin, vụ việc xảy ra vào khoảng 22h30 ngày 24/8/2021, tại đường dân sinh thôn 4, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, vào chiều 24/8/2021, nhóm 4 người gồm: Phạm Văn Huân (35 tuổi), Lê Ngọc Thanh (32 tuổi), Nguyễn Huy Văn (31 tuổi, cùng ngụ xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà) và 1 người tên Mạnh, do mâu thuẫn tranh chấp đất đai nên đã đến nhà ông Thanh ném đá vào, sau đó bỏ đi.

Bực tức vì bị ném đá và đã uống rượu nên đến khoảng 22h30 cùng ngày, ông Thanh đã điều khiển ôtô chạy tốc độ cao tông vào nhóm 4 người nói trên khi những người này đang đi trên đường. Cú tông khiến ông Phạm Văn Huân tử vong, ông Nguyễn Huy Văn bị chấn thương sọ não, ông Lê Ngọc Thanh bị gãy chân và người tên Mạnh bị thương.

Đất đai thừa kế trong gia đình được phân chia như thế nào?
Đối tượng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Người Lao Động.

Tại cơ quan công an, bước đầu, ông Nguyễn Chí Thanh khai nhận chỉ vô tình tông vào nhóm 4 người trên. Tuy nhiên, từ các chứng cứ và bằng biện pháp nghiệp vụ của công an, ông Thanh đã thừa nhận cố tình tông vào nhóm người này.

Đã từ lâu, việc lập di chúc được coi là phương án hạn chế tối đa rủi ro xung quanh vấn đề phân chia tài sản thừa kế, giảm thiểu tranh chấp và những rắc rối pháp lý khác liên quan đến quyền thừa kế sau khi người để lại tài sản qua đời. Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc Văn phòng Luật sư X, thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội đã có những về vấn đề này: “Di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Một bản di chúc hợp pháp khi nó đáp ứng được đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự, cụ thể: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức , hình thức di chúc không trái quy định của luật. Trường hợp di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì phải được lập thành văn bản, được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Đối với di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực”.
    
Cũng theo Luật sư Nghĩa, bên cạnh di chúc bằng văn bản còn có di chúc miệng. Di chúc miệng hợp pháp khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Tuy nhiên, đối với trường hợp người mất đột ngột do nhiều nguyên nhân khác nhau, chưa kịp để lại di chúc, thì khối tài sản của người mất được coi là di sản mà người đó để lại và sẽ được chia theo quy định pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế với điều kiện, trình tự do pháp luật quy định, hay còn gọi là Thừa kế theo pháp luật.

Giám đốc Văn phòng Luật sư X đưa ra ví dụ về việc phân chia đất đai khi không có di chúc. Khi đó, di sản là đất đai (quyền sử dụng đất) sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người mất như: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế thứ hai sẽ được hưởng như: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, ah ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại bà ngoại. Những người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38968 sec| 667.523 kb