Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân, nâng mức giảm trừ gia cảnh

Đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân, nâng mức giảm trừ gia cảnh
Mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó có đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù mà người nộp thuế được hưởng.

Theo tờ trình, thời gian qua có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân, nhiều người lao động đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế. 

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng; mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn; phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn...

Đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân, nâng mức giảm trừ gia cảnh
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính cho biết, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cần phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới.

Hơn nữa, mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này và vô hình chung sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước. Có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - của đất nước trong từng thời kỳ.

Từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) hoặc mức 22 triệu đồng/tháng (có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa cần nộp thuế TNCN.

Bộ Tài chính đề xuất, có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho người nộp thuế, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo vào diện được giảm trừ.

Theo điều 20 Luật Thuế TNCN, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm: khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa; khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.

Theo Bộ Tài chính, việc hình thành và mở rộng các quỹ xã hội, quỹ từ thiện là giải pháp để giúp Chính phủ hỗ trợ phúc lợi cho các đối tượng yếu thế, trong đó các nguồn quỹ được hình thành từ sự huy động, đóng góp của người dân, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã góp phần thực hiện tốt các chính sách đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội, hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, bão lũ… thời gian qua. Do vậy, việc rà soát để bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp được giảm trừ là cần thiết.

Ngoài ra, cần thiết phải rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế. Tuy nhiên, phạm vi các khoản chi được giảm trừ và mức độ được giảm trừ cần phải được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN dưới phương diện là một công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện phân phối lại.

Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định về giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao (CNC) làm việc tại các doanh nghiệp, dự án trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản.

Phát triển khoa học công nghệ, nhân lực CNC là một trong những nhân tố quan trọng để tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, mức giảm thuế TNCN đối với nhóm đối tượng này cần được nghiên cứu, đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu về khuyến khích các đối tượng cần ưu tiên thu hút, duy trì hợp lý mức động viên ngân sách Nhà nước và không làm sai lệch vai trò của chính sách thuế TNCN. 

Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu để có quy định về tiêu chí xác định cá nhân là nhân lực CNC để làm cơ sở cho việc thực hiện theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.

Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn thuế trong một số trường hợp đặc biệt gồm: chuyên gia nước ngoài làm việc tại chương trình, dự án tài trợ bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); chuyên gia nước ngoài làm việc tại chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc Hệ thống Liên Hợp quốc tại Việt Nam đang được áp dụng chính sách miễn thuế theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước khi Luật thuế TNCN hiện hành có hiệu lực, qua đó đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế và đảm bảo cơ sở pháp lý minh bạch và ổn định.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39797 sec| 654.688 kb