Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất vị trí của cơ sở đăng kiểm xe cơ giới phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, không ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh và đảm bảo việc di chuyển của xe cơ giới đến cơ sở đăng kiểm thuận tiện, an toàn, không gây cản trở giao thông.
Khoảng cách giữa các cơ sở đăng kiểm (được xác định theo phương pháp định vị vị trí trên bản đồ) thuộc đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I không được nhỏ hơn 5 km; đô thị loại II và III không được nhỏ hơn 6 km; các đô thị còn lại không nhỏ hơn 7 km.
Đối với khu vực ngoài đô thị, khoảng cách giữa các cơ sở đăng kiểm không được nhỏ hơn 15 km; đối với địa phương miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên không được nhỏ hơn 30 km (không bao gồm cơ sở đăng kiểm được xây dựng tại Trạm dừng nghỉ của đường cao tốc, quốc lộ).
Theo các chuyên gia, việc bổ sung quy định về vị trí, khoảng cách các cơ sở đăng kiểm là cần thiết để đảm bảo phù hợp với nhu cầu kiểm định của từng khu vực, đảm bảo tránh tình trạng "chỗ thừa, chỗ thiếu" và ngăn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở.
Tối ưu sử dụng thiết bị kiểm định
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định các thiết bị kiểm tra tối thiểu của đơn vị đăng kiểm thay vì quy định thiết bị kiểm tra của một dây chuyền kiểm định như tại Quy chuẩn QCVN 103:2019/BGTVT hiện hành.
Cụ thể, theo dự thảo, các thiết bị kiểm tra tối thiểu gồm: Thiết bị kiểm tra phanh; thiết bị đo độ trượt ngang của bánh xe; thiết bị phân tích khí thải (phương tiện đo khí thải xe cơ giới); thiết bị đo độ khói; thiết bị đo âm lượng (phương tiện đo độ ồn); thiết bị kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước; thiết bị hỗ trợ kiểm tra gầm; thiết bị nâng (cầu nâng) xe cơ giới hoặc hầm kiểm tra.
Dự thảo nêu rõ, thiết bị phân tích khí thải không áp dụng với cơ sở đăng kiểm chỉ kiểm định xe trang bị động cơ diesel và xe điện.
Thiết bị đo độ khói không áp dụng với cơ sở đăng kiểm chỉ kiểm định xe trang bị động cơ cháy cưỡng bức và xe điện.
Thiết bị phân tích khí thải, đo độ khói, đo âm lượng, kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước có thể dùng chung cho các dây chuyền kiểm định. Trường hợp thiết bị kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước dùng chung giữa các dây chuyền thì phải được lắp đặt trên cùng một đường ray.
Trường hợp sử dụng cầu nâng thay thế hầm kiểm tra thì không cần trang bị thiết bị hỗ trợ kiểm tra gầm.
Theo dự thảo, các dụng cụ kiểm tra tối thiểu gồm: Kích nâng xe; cục chèn bánh xe; gương hoặc camera quan sát hỗ trợ kiểm tra đèn tín hiệu; đèn soi kiểm tra cầm tay; thanh, đòn hỗ trợ kiểm tra bánh xe; thước đo chiều dài (thước cuộn); búa kiểm tra; dụng cụ kiểm tra áp suất lốp.
Dự thảo nêu rõ, thiết bị kiểm tra có thể bố trí trong nhiều xưởng kiểm định; riêng thiết bị phân tích khí thải và thiết bị đo độ khói có thể bố trí ngoài xưởng kiểm định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, quy định này nhằm giúp các dây chuyền kiểm định có thể dùng chung một số thiết bị và trang bị thiết bị phù hợp với loại phương tiện mà đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định, cho phép tối ưu sử dụng thiết bị, tránh lãng phí cho các cơ sở đăng kiểm.
Theo Báo Chính phủ