Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đề xuất sửa đổi một số mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi

Đề xuất sửa đổi một số mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Đề xuất sửa đổi một số mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi

Bộ Tài chính cho biết, ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2023, trong đó, giao Bộ Tài chính: "... tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội rà soát trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước". Đồng thời, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của các bộ, ngành và Hiệp hội về việc sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng.

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, để kịp thời đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và phòng chống gian lận thương mại trong phân loại, áp mã, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát các mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước. rà soát có 02 nhóm vấn đề như sau:

Nhóm 1: Là các mặt hàng xem xét điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo thuận lợi thương mại, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, phòng chống gian lận trong phân loại, áp mã.

- Nhóm 2: Là các mặt hàng đề xuất chưa điều chỉnh do mức thuế suất hiện hành đã đảm bảo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, thành sản phẩm để tăng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; góp phần ổn định thị trường, nhất là đối với sản phẩm trong nước đã sản xuất được và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

Về kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi

Đối với kiến nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (mặt hàng khô dầu đậu tương), Bộ Tài chính cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ Công an và một số Hiệp hội kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi) của mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 0%.

Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, hiện nay, cơ bản mức thuế suất MFN các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đều đã ở mức rất thấp, để bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp với khả năng đáp ứng thị trường trong nước. Đối với mặt hàng khô đậu tương, đã sản xuất được 35% nhu cầu trong nước và nhập khẩu 65% nên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng này là 2% (so với mức cam kết trần WTO 5%) như hiện hành là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất, khuyến khích ngành chăn nuôi chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu.

Mặt hàng khô dầu dậu tương là một trong những nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong nước cũng đã sản xuất được một phần (như một số nhà máy ép dầu ăn sản xuất). Việc điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN có thể dẫn đến giảm nhu cầu, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và tăng sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, qua đó tác động trực tiếp tới hoạt động chăn nuôi của doanh nghiệp và của người dân. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án như sau:

Phương án 1: Giữ nguyên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương như hiện hành.

Phương án 2: Điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu dậu tương từ 2% xuống 1% (thay cho phương án giảm xuống 0% như đề xuất của Bộ NNPTNT và một số Hiệp hội).

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/de-xuat-sua-doi-mot-so-muc-thue-xuat-khau-nhap-khau-uu-dai-102231120102803307.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26589 sec| 649.109 kb