Ngày 13/9, tại Trụ sở Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật phối hợp với Chi hội luật gia Văn phòng Quốc hội, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Tạp chí Đời sống và Pháp luật tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi).
Dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV; đồng chí Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Văn phòng Quốc hội.
Về phía các chuyên gia có GS.TS. Lê Minh Tâm, GS.TS. Lê Hồng Hạnh, TS. Nguyễn Văn Kim, TS. Phạm Tuấn Anh; PGS.TS Nguyễn Thị Báo.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, lãnh đạo ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý, lãnh đạo Ban Tổ chức cán bộ, lãnh đạo ban Đối ngoại và hợp tác quốc tế, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Hội và đại diện các chi hội luật gia Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh…
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Công Phàn nhấn mạnh: “Hội Luật gia với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, có thế mạnh bao gồm những hội viên có thế mạnh am hiểu về luật, đã và đang công tác ngành pháp luật. Với trách nhiệm của mình, Hội Luật gia đã cố gắng tham gia đóng góp, phản biện chính sách pháp luật làm sao tập hợp được ý kiến của các cơ quan trong việc xây dựng sửa đổi và xây dựng chính sách pháp luật.
Đồng thời, có thể thấy vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm, gần đây nhất là Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới”.
Đối với Luật Thanh tra, đồng chí Trần Công Phàn cho biết, sau 12 năm thực hiện, Luật Thanh tra bộc lộ những vấn đề bất cập, vướng mắc cần phải sửa, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 và tới đây sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 4.
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn mong muốn các dự thảo luật để trình trước khi Quốc hội thông qua đều có ý kiến đóng góp của các thành viên Hội Luật gia Việt Nam.
Tại Hội thảo, nêu ý kiến về một số vấn đề cơ bản của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đồng chí Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội (đơn vị thẩm tra dự án Luật) nhấn mạnh vai trò của Hội Luật gia trong nghiên cứu, tham gia xây dựng góp ý sâu vào dự án Luật Thanh tra.
Theo đồng chí Ngô Trung Thành, dự án Luật Thanh tra có phạm vi chuyên ngành hẹp nhưng độ bao phủ và tác động rất rộng. Cơ bản các hoạt động kinh tế, xã hội đều có thể chịu sự chi phối điều chỉnh của dự án luật này.
Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) có sự thay đổi rất lớn so với Luật hiện hành. Những thay đổi hiện hành đó là mục tiêu xây dựng của dự án luật làm cho các dự án thanh tra trở nên bài bản và chính quy hơn.
“Trước đây, ngoài cơ quan thanh tra thì việc thanh tra còn được giao cho các cơ quan chức năng liên quan có chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện. Liên quan đến quyết định thanh tra, ngoài việc do cơ quan thanh tra ban hành, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong một số trường hợp cũng được phép ban hành. Vì vậy, việc sửa đổi dự án luật này tập trung vào một đầu mối đó là hoạt động thanh tra do cơ quan thanh tra thực hiện. Thủ trưởng cơ quan thanh tra sẽ chỉ đạo chung về công tác thanh tra”, đồng chí Ngô Trung Thành cho biết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cũng cho biết thêm, các vấn đề lớn của dự án luật cho đến nay đã qua rất nhiều vòng tiếp thu ý kiến của các ĐBQH.
Đề cập đến những hoạt động thanh tra huyện, cơ bản ý kiến ĐBQH cho rằng cần thiết tiếp tục duy trì. Cấp cơ sở có rất nhiều hoạt động cần được thanh tra, kịp thời phát hiện những sai phạm để kịp thời xử lý. Bên cạnh việc giữ nguyên thanh tra huyện, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị các cơ quan có giải pháp làm sao để thúc đẩy, nâng cao năng lực của thanh tra huyện để đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Về thanh tra chuyên ngành, đối với thanh tra bộ, cơ bản giữ nguyên như hiện hành, đối với thanh tra Tổng cục và các Cục thuộc Vụ đến nay đang dự kiến tiếp thu và chỉnh lý theo hướng: Thành lập thanh tra chuyên ngành tại một số Tổng cục và Cục thuộc bộ nhưng không phải tất cả đều thành lập các cơ quan chuyên ngành, chỉ nên thành lập ở một số Tổng cục và Cục thuộc bộ.
Về thanh tra sở cũng có thay đổi rất lớn, ông Thành cho biết nếu trước đây tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra cơ bản thì theo quy định của dự thảo đối với một sở có phạm vi quản lý rộng, chuyên ngành phức tạp thì Chính phủ sẽ quy định cứng là một số sở sẽ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.
Còn lại sẽ phân cấp cho chính quyền địa phương cụ thể UBND cấp tỉnh xem xét ở các sở khác có thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành hay không? Đây cũng là vấn đề xin ý kiến các đại biểu.
Về trình tự thủ tục, trước đây tập trung vào thanh tra thường xuyên thì bây giờ đã bỏ hình thức này, chỉ còn thanh tra kế hoạch và thanh tra đột xuất, như vậy trình tự và thủ tục không còn gì khác nhau.
“Tuy nhiên, chúng tôi rất băn khoăn trong quá trình thảo luận vẫn có ý kiến cho rằng có sự khác nhau: tính chất, đối tượng, phạm vi khác nhau. Vậy làm sao đối với công tác thanh tra, đặc biệt công tác thanh tra chuyên ngành thực hiện bài bản chất lượng, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp, của người dân không bị cản trở?”, ông Thành gợi mở những vấn đề trong dự thảo luật xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cho ý kiến vào dự thảo luật, đa số các ý kiến đều đồng tình với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thanh tra. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần lưu ý cân nhắc các điều của dự thảo Luật so với các dự án Luật khác, tránh sự trùng lắp, chồng chéo.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng chí Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, những ý kiến đóng góp của các đại biểu hôm nay rất thực tế, gợi mở cho ban soạn thảo những khía cạnh để lưu ý, tiếp thu, sửa đổi.
Đồng chí Ngô Trung Thành tiếp thu tối đa ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp tại hội thảo.
Kết luận hội thảo, đồng chí Trần Công Phàn cho biết sau buổi hội thảo này, Hội Luật gia sẽ tập hợp các ý kiến gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc sửa đổi Luật Thanh tra làm sao góp phần cho dự án Luật đạt được kết quả cao nhất.