Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Sáng 19/9, tại Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, Trưởng Đoàn kiểm tra số 3, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng, nhất là những văn bản mới ban hành; chỉ đạo tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc kiến nghị khởi tố các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành văn bản phục vụ tốt công tác này. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, khẳng định được vai trò là cơ quan chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hoạt động tư pháp.

Trong kỳ , Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã tiến hành 3.141 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản công, thực hiện quy chế dân chủ, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…; đã tham mưu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp xử lý, giải quyết 906 đơn khiếu nại, tố cáo, thông tin phản ánh về vi phạm pháp luật, phẩm chất đạo đức, kỷ luật nghiệp vụ, tham nhũng, tiêu cực…

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng đã phát hiện 18 nguồn tin về tội phạm, đã chuyển đến Cơ quan điều tra của Công an 3 tin, chuyển đến Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 15 tin. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận 558 nguồn tin về tội phạm; đã giải quyết 461 tin, trong đó: chuyển giải quyết theo thẩm quyền 25 tin, khởi tố vụ án 124 tin, không khởi tố vụ án hình sự 312 tin, tạm đình chỉ 86 tin và đang kiểm tra, xác minh 11 tin.

Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Từ năm 2011 đến năm 2021, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết hơn 1,124 triệu nguồn tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền điều tra tiếp nhận, kiểm tra, xác minh; đã chủ động phối hợp, yêu cầu khắc phục ngay các vi phạm, thiếu sót, bảo đảm cơ quan có thẩm quyền điều tra tuân thủ, thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan có thẩm quyền điều tra các cấp đã thụ lý, kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực là 14.570/1.124.654 tin; đã giải quyết 14.259 tin (đạt 97,9%); đang giải quyết 311 tin. Viện Kiểm sát ban hành 13.093 yêu cầu kiểm tra, xác minh, đạt 89,9%; thực hiện kiểm sát trực tiếp và ban hành kết luận kiểm sát 5.127 cuộc. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã ban hành 2.466 kiến nghị yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra khắc phục vi phạm, thiếu sót trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại địa phương còn có những tồn tại, hạn chế, như: một số quy định về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, thống nhất, không phù hợp với thực tiễn nên thiếu tính khả thi. Một số quy định của Luật Giám định tư pháp chậm được triển khai, hướng dẫn thực hiện; do đó khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định dẫn đến một số nguồn tin về tội phạm tạm đình chỉ;…

Kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú ghi nhận các kết quả đạt được trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đánh giá cao sự phối hợp, thực hiện nghiêm, đúng đề cương của các đơn vị được kiểm tra của Bộ.

Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ông Trần Cẩm Tú đề nghị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần tiếp tục thực hiện tốt việc phối hợp giữa Viện Kiểm sát các cấp và các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận các nguồn tin tố giác tội phạm; đồng thời tiếp tục chủ động hơn, kịp thời, chặt chẽ, hiệu lực hiệu quả hơn để đảm bảo không làm sai lệch, không bỏ lọt, không bỏ sót, không chạy tội, chạy án và không làm oan sai.

Nhấn mạnh khâu tự phát hiện trong nội bộ vẫn đang là khâu yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra các biện pháp, giải pháp thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng Bí thư đó là chống tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng.

Trưởng Đoàn kiểm tra tin tưởng với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm cao, ngành Kiểm sát sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp tích cực quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu của các đại biểu cũng như kết luận của Trưởng Đoàn kiểm tra để quán triệt thực hiện nghiêm hơn nữa công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực trong thời gian tới.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/hoi-nghi-thong-qua-du-thao-bao-cao-ket-qua-kiem-tra-tai-vien-kiem-sat-nhan-dan-toi-cao-20220919143727219.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27500 sec| 668.063 kb