Ngày 19/10, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tọa đàm "Nghị quyết 18 và dự án Luật Đất đai (sửa đổi)".
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề chuyển dịch đất đai từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một trong những vấn đề gây bức xúc, chiếm tới 60–70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
"Chúng ta cần thay đổi khái niệm 'giải phóng mặt bằng', cần hình dung đó là quá trình chuyển dịch kinh tế đi đôi với chuyển dịch sử dụng đất, có sự tham gia của người nông dân vào quá trình này. Do đó, phải xem xét để các chính sách đền bù, bồi thường, tái định cư, bảo đảm sinh kế, thu nhập của người dân phải bằng hoặc tốt hơn so với trước khi có dự án.
Nói cách khác, trong những chính sách và từng dự án phát triển phải tính ngay đến an sinh xã hội, bảo đảm công bằng, chia sẻ các lợi ích mang lại từ quá trình phát triển đó", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm.
Tham dự tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, nhiều vướng mắc về vấn đề sở hữu đất đang khiến doanh nghiệp còn e ngại. Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận quỹ đất để sản xuất rất khó khăn. Dự thảo Luật cũng nên có cơ chế tiếp cận thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển thì nguồn lực đất đai rất quan trọng.
Theo bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Nghị quyết 18 đưa ra yêu cầu về việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Nội dung này có ý nghĩa quan trọng, nhằm thể chế hóa quan điểm quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của nhân dân. Nhân dân được tạo điều kiện để tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.
Quan điểm là kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai một cách lãng phí.
Luật Đất đai hiện hành đã có quy định cụ thể các trường hợp giao đất, thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo bà Trần Hồng Nguyên, hiện chưa có quy định về giao đất, cho thuê đất cho người đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định hiện nay trong Luật Đất đai chưa đề cập, do đó Nghị quyết 18 đưa ra định hướng về nội dung này rất cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động sâu rộng đến quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành có sử dụng đất, quy hoạch tỉnh. Các quy hoạch này phải tương tác để mang lại hiệu quả tốt hơn cho quản lý sử dụng đất cũng như góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Quy hoạch sử dụng đất có 3 cấp là quốc gia, tỉnh, huyện. Thông qua quy hoạch đất đai này, tiếp tục khẳng định vai trò của nhân dân, khẳng định sự tham gia của người dân, thể hiện tính dân chủ. Những vấn đề liên quan thu hồi đất, quản lý đất đai phải dựa vào quy hoạch sử dụng đất.
Cùng với đó là vấn đề định giá đất, tài chính đất, theo đó, sẽ thay đổi lại toàn bộ phương pháp định giá đất.
"Chúng ta có rất nhiều bảng giá, khung giá, giá đất cụ thể nhưng thực tế tính chính xác chưa cao. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ khung giá đất và xác định bảng giá đất hằng năm, đặc biệt phải đổi mới phương pháp định giá để phù hợp giá thị trường. Giá thị trường là giá đất mang tính phổ quát nhất trong điều kiện bình thường, không có biến động. Muốn có giá đất theo giá thị trường, phải có cơ sở dữ liệu thông tin đất đai chính xác. Khi có bảng giá đất thị trường thì việc định giá cụ thể sẽ xác định được", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Theo Bộ trưởng, công tác quản lý đất cũng sẽ chuyển sang giai đoạn mới là thực hiện các trách nhiệm theo bảng giá đất; đồng thời là cơ sở cho đấu giá đất. Về phía người dân khi làm các hợp đồng mua bán bất động sản thì giá kê khai trên hợp đồng chính là giá thực hiện nghĩa vụ thuế.
Đặc biệt, để thu thập cơ sở dữ liệu đất đai, phải có dữ liệu về các giao dịch trên thị trường, gồm cả giao dịch của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và giao dịch của người dân đến đăng ký ở Văn phòng đăng ký đất đai. Khi kết hợp với việc xây dựng được bản đồ địa chính số thì có dữ liệu của giá đất giao dịch trên thị trường, đưa giá đất về sát thị trường.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/luat-dat-dai-sua-doi-giup-phat-huy-quan-ly-su-dung-dat-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-102221019162340927.htm