Phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự
Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, về tình hình tội phạm, năm 2023, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước,....
Trong bối cảnh đó, toàn ngành Kiểm sát đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022).
Tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính: Vẫn nổi lên liên quan đến đất đai
Về khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết của Tòa án theo thủ tục sơ thẩm: 12.159 vụ án hành chính, tăng 0,9%, các khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp; 446.258 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 7%), nổi lên là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về hợp đồng dân sự cũng chiếm tỷ lệ lớn.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì VKSND phải thực hiện thêm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đến lực lượng công an cấp xã, phường. Như vậy, VKSND cấp huyện phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hơn 10.500 đơn vị công an cấp xã nhưng Viện kiểm sát không có cấp xã, nên đây là áp lực rất lớn đối với ngành Kiểm sát. Hiện nay, biên chế giữa Điều tra viên ngành Công an với Kiểm sát viên chênh lệch rất lớn; số lượng công chức có chức danh tư pháp, Kiểm sát viên các ngạch của VKSND các cấp chưa đủ về số lượng để đáp ứng được yêu cầu khối lượng công việc hằng năm tăng thêm, đã tạo áp lực và khó khăn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Chế độ, chính sách đối với ngành kiểm sát còn bất cập; kinh phí chi cho hoạt động điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đặc thù của VKSND vẫn áp dụng theo kinh phí quản lý hành chính, chưa phù hợp với hoạt động đấu tranh tội phạm.
Về công tác chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, ngay đầu năm, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị công tác năm 2023 với 04 mục tiêu lớn và 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, đã yêu cầu VKSND các cấp ban hành kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; khắc phục những hạn chế, tồn tại năm 2022, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp tục đổi mới nâng chất hoạt động của Cơ quan điều tra. Theo đó, nêu cao tính chủ động, nỗ lực, phấn đấu nhằm khắc phục dứt điểm một số tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; thường xuyên đánh giá chất lượng công tác; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, bố trí cán bộ, phân công và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ Điều tra viên. Xác định những khâu, lĩnh vực công tác gây bức xúc, có nhiều vi phạm trong hoạt động tư pháp thời gian qua để tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm, qua đó góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Vẫn còn xảy ra một số trường hợp phải đình chỉ điều tra bị can
Thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, VKS các cấp tiếp tục chú trọng công tác này. Nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2022 như: các cuộc kiểm sát trực tiếp tăng 13%, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố tăng 41,1%. Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn được thực hiện cơ bản chặt chẽ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số trường hợp phải đình chỉ điều tra đối với bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội, liên quan đến trách nhiệm của VKS…
Công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC đạt kết quả cao hơn so với năm 2022. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đều tăng so với năm trước và vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Tuy nhiên, số lượng tố giác, tin báo thụ lý trong kỳ phải tạm đình chỉ giải quyết còn khá lớn (56 tố giác, tin báo, chiếm 25,9% tổng số tin đã thụ lý)…
Bên cạnh đó, năm 2023, VKSNDTC tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Tuy nhiên, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ, việc dân sự được Tòa án chấp nhận là 64,6%, giảm 2,5%.
Ngoài ra, công tác kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, chất lượng công tác kiểm sát tại một số VKS địa phương chưa cao, nhất là về điều kiện, tiêu chuẩn xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nên chưa kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục và xử lý vi phạm.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/nganh-kiem-sat-thuc-hien-4-muc-tieu-lon-7-nhom-nhiem-vu-trong-tam-102231121112409216.htm