Giá trị văn hóa trường tồn
Như chúng ta đã biết, tại Kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ, Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (di sản VHPVT) của UNESCO tại Addis Ababas, Thủ đô Ethiopia, từ 28/11 đến 2/12/2016, Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
UNESCO đã ghi nhận những giá trị văn hóa chứa đựng trong thực hành tín ngưỡng. Những giá trị ấy bao gồm quan niệm của con người đối với thiên nhiên, ứng xử văn hóa của chúng ta với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên bởi vì thiên nhiên mang lại cho con người những lợi ích và chúng ta phải trân trọng, nâng niu giá trị đó. Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thì cộng đồng là chủ thể sáng tạo để đưa vào đó nghệ thuật văn hoá tâm linh như hầu đồng, múa, cách biểu đạt khi nhập vai các vị thần. Sử dụng âm nhạc, ca từ thể hiện qua chầu văn, cách trang trí nghệ thuật trong các đền, phủ, điện, miếu.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng là nghi lễ chính mang tính nghệ thuật tâm linh. Những người lên đồng hóa thân thành các vị Thánh Mẫu, thể hiện sắc diện và động thái đặc trưng trong không gian văn hóa linh thiêng. Người đến tham dự trải nghiệm, cảm nhận được vẻ đẹp của các vị Thánh Mẫu, ngắm nhìn những bộ trang phục lộng lẫy, nghe hát Văn kể về sự tích công trạng của các vị Thánh Mẫu trong không gian nghi lễ với nhiều sắc màu rực rỡ.
Bên cạnh những người lên đồng cần phải có người hát văn và người hầu dâng, tạm hiểu là những người “nâng khăn, sửa túi” sửa soạn mũ áo, xiêm y cho thanh đồng. Khi hương đã thắp lên, thanh đồng được phủ một tấm vải trên đầu sẽ làm các động tác và hất khăn ra phía sau. Điều bắt buộc là trước điện thờ phải có gương để thanh đồng nhìn bóng mình trong gương mới hầu được.
Đến nơi thờ Mẫu chúng ta sẽ cảm thấy thanh thản, thư thái, bởi không gian tâm linh, âm thanh và ca từ của hát văn, sự linh thiêng trong cách bài trí bàn thờ, đồ dâng lên hầu Thánh, những bộ khăn áo, trang sức của người hầu đồng… Tất cả tạo nên vẻ đẹp độc đáo được hội tụ chắt lọc từ cuộc sống đương đại. Và trên hết, giá trị văn hóa Việt đã tạo nên sức sống trường tồn của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Người “giữ lửa” tín ngưỡng thờ Mẫu
Có duyên được tiếp xúc với Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh, một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thủ đô Hà Nội. Hiện nay, ông đang là Thanh Đồng – Thủ Nhang Đền Hàng Bạc hay còn gọi là đền Nguyên Khiết Linh Từ, có địa chỉ tại (102 phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Trải qua hơn 30 năm trong thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu và thờ cúng, Nghệ nhân Ưu tú Lê Bá Linh đã đóng góp thực sự hiệu quả cho việc gìn giữ và tiếp nối văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, ông cũng là người tiếp quản ngôi đền Nguyên Khiến Linh Từ đã có từ rất lâu đời mà bao thế hệ cha ông từ xa xưa để lại.
Theo chia sẻ của nghệ nhân Lê Bá Linh, đền Hàng Bạc là một ngôi đền lâu đời và nổi tiếng ở Hà Nội, hay còn gọi là Nguyên Khiết Linh Từ, nơi phụng thờ Thánh Mẫu Bạch Hoa công chúa và hội đồng các vị thánh trong Tứ Phủ. Đền Nguyên Khiết xưa thuộc thôn Nguyên Khiết, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay tọa lạc ở số nhà 102 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm , Hà Nội. Đền Nguyên Khiết phụng thờ Thánh Mẫu - Núi Dùm , tỉnh Tuyên Quang. Trong đền hiện còn lưu giữ được 8 tấm bia đá cổ thời Nguyễn cùng nhiều pho tượng lớn nhỏ, 2 bộ kiệu ngọc và kiệu võng để rước Mẫu trong ngày Đản tiệc Mẫu bản đền 12/2 âm lịch hàng năm.
Với tâm huyết của một người tiếp nối dòng chảy tín ngưỡng từ thế hệ này đến thế hệ khác, hàng vạn người đã được Nghệ nhân Lê Bá Linh truyền tải để hiểu về tín ngưỡng Thờ Mẫu, có được đức tin, hướng từng con người, từng gia đình vào chữ tâm, chữ thiện để cuối cùng có được sự an nhiên trong cuộc sống hàng ngày, đoàn kết giữa các dòng họ, xây dựng các gia đình văn hóa chuẩn mực, nuôi dạy con cháu hướng về tổ tiên giống nòi “Uống nước nhớ nguồn”.
Với tâm sáng của một người trong nghề, không những người Việt trong nước được truyền tải đức tin Thờ Mẫu mà những người con xa quê tận trời Âu cũng được kết nối và gìn giữ nét riêng Thờ Mẫu, kết nối những đức tin để cảm nhận được văn hóa tâm linh đang hiện diện khắp nơi trên thế giới.
Chứng kiến nghi thức hầu đồng của nghệ nhân Lê Bá Linh, không ai không khỏi tán dương bởi sự uyển chuyển, nhẹ nhàng và cuốn hút, dù ở tuổi 53 nhưng thần thái cũng như nét hiền từ, trang nghiêm theo từng vấn hầu của ông đã khiến mọi người bị chinh phục. Ông luôn chỉn chu trong mỗi vấn hầu, từ trang phục đến cung văn, vũ đạo luôn bảo đảm sự tôn nghiêm, thành kính, thể hiện đúng giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn của các vị Thánh, Mẫu, tái hiện lại hình ảnh oai hùng của các vị tướng quân đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhiều câu chuyện dân gian, cổ tích về các vị thần được thể hiện rõ qua những vấn hầu, cũng vì thế mà ông đã truyền cảm hứng về nghi thức hầu đồng cho con cháu, người dân. Nhiều người muốn được xem, được “truyền lửa” qua những giá hầu điêu luyện và nó trở thành món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa người Việt.
Là nghệ nhân ưu tú được vinh danh trong lĩnh vực thực hành tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ nhân Lê Bá Linh luôn tâm niệm rằng để giữ gìn nét đẹp của đạo Mẫu và nghi thức hầu đồng thì đạo đức của người đồng thầy là điều quan trọng nhất. Người thanh đồng, người làm con của Mẫu phải giữ gìn được đạo đức, để mình tôn vinh được đạo Mẫu, lúc nào cũng phải gìn giữ và bảo tồn.
May mắn khi được tiếp xúc, trò chuyện và chứng kiến nghệ nhân Lê Bá Linh hành lễ tín ngưỡng Thờ mẫu, tôi mới thấy được cái tâm của người làm nghề và hơn hết rất cần có những người như ông để tiếp nối dòng chảy văn hóa tâm linh người Việt. Ở tuổi 53 nhưng Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh không cho phép mình nghỉ ngơi, ông vẫn đắm say, nhiệt huyết, trăn trở với tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian. Ông luôn ý thức được trách nhiệm của mình là phải bảo tồn và phát triển đạo Mẫu, ra sức lan tỏa tín ngưỡng dân gian này sao cho xứng đáng với sự vinh danh của cộng đồng quốc tế.