Ở bài đăng “Cần nâng cao nhận thức về hoạt động sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp”, Diễn đàn Pháp luật đã chỉ ra vai trò, khó khăn trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những vấn đề tranh chấp về SHTT mà doanh nghiệp cần quan tâm.
Theo hệ thống pháp lý hiện nay, có 7 loại quyền bảo hộ SHTT cơ bản, đó là: Quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế; quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp; quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu; quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý; quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh. Từ các quyền này sẽ phát sinh ra 7 loại tranh chấp cơ bản trong SHTT.
Tranh chấp quyền tác giả?
Cuối tháng 8/2021, C03 - Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là lần đầu tiên cơ quan cảnh sát điều tra Việt Nam khởi tố một vụ án xâm phạm quyền tác giả. Theo đó, nhóm đối tượng là chủ website www.phimmoi.net đã sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng khi không được phép của chủ thể quyền và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính với số tiền lớn.
Trao đổi với PV về vụ việc trên, ông Nguyễn Trường Minh – Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Naci Law cho biết: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Để được bảo hộ, tác phẩm phải có tính nguyên gốc, không sao chép tác phẩm khác và thuộc các loại hình tác phẩm được bảo hộ theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ). Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản”.
"Các quyền này được trao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện tác phẩm của mình. Nói cách khác, chủ thể nào muốn sử dụng một trong các quyền này của tác phẩm phải được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Do đó, www.phimmoi.net tự ý sử dụng, đăng tải, kèm phụ đề đối với các bộ phim bom tấn trong và ngoài nước lên website của mình là vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả" - Luật sư Minh chia sẻ thêm.
Liên quan đến quyền tác giả, chúng ta cũng không thể không nhắc đến vụ tranh chấp ròng rã 13 năm xung quanh bộ truyện tranh “Thần Đồng Đất Việt” giữa ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và công ty Phan Thị cùng bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Theo phán quyết từ TAND TP.HCM, Công ty Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa tác phẩm gốc. Ông Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo nên ông Lê Linh có quyền nhân thân đối với tác phẩm của mình hay nói một cách khác, ông có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Ngoài ra, tòa án cả 2 cấp đều bác bỏ yêu cầu công nhận Công ty Phan Thị có tư cách đồng tác giả vì văn bản thỏa thuận ghi tên Công ty Phan Thị là đồng tác giả khi đăng ký với Cục Bản quyền là vô hiệu.
Tranh chấp trong vụ án này cũng là bài học cho nhiều công ty, đơn vị, cá nhân liên quan đến sở hữu trí tuệ, thỏa thuận đứng tên làm tác giả hoặc đồng tác giả ký giữa những người sử dụng lao động, hoặc bên nhận chuyển nhượng quyền tác giả với bên kia là tác giả sáng tác tác phẩm theo các quan hệ hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chuyển nhượng đều sẽ bị tòa án tuyên vô hiệu tuyệt đối khi có tranh chấp, vì pháp luật Việt Nam quy định quyền nêu tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là không thể chuyển giao và không thể chuyển nhượng, bất luận tác giả không còn nắm quyền tài sản nào nữa.
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005: Quyền tác giả sẽ phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Tức là, ngay khi tác phẩm được sáng tạo, ra đời, quyền tác giả cũng đồng thời phát sinh từ thời điểm đó.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Minh phân tích: “Trên thực tế, việc chứng minh quyền sở hữu tác giả khi chưa được đăng ký bảo hộ là khá khó khăn. Vì vậy, thông qua việc đăng ký quyền tác giả, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, đây chính là tài liệu quan trọng để chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không chỉ là chứng nhận cho sự sáng tạo, tài sản của tác giả mà còn giúp tác giả chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm của mình như sao chép, lạm dụng khi không có sự đồng ý của tác giả”.
Trả lời câu hỏi của PV về các chế tài xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm quyền tác giả như thế nào? Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty luật quốc tế TNTP cho hay: “Tùy theo mức độ phạm tội thì các đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính (Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP và Nghị định 129/2021/NĐ-CP) hoặc khởi tố hình sự (Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định Điều 225 về tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan)”.
Theo đó, đối tượng bị xử phạt hành chính có thể phạt từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm. Đồng thời, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm này sẽ bị áp dụng biện pháp công khai khắc phục hậu quả như: Cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, tịch thu tang vật vi phạm, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật,…
Đối tượng bị xử lý hình sự, ngoài bị truy cứu theo Điều 225, người thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự các tội như: Tội buôn lậu (Điều 188), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288),…
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.