Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Quy định cụ thể hơn về cấp giấy tờ cho người gốc Việt

Quy định cụ thể hơn về cấp giấy tờ cho người gốc Việt
Sáng 28/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Quy định cụ thể hơn về cấp giấy tờ cho người gốc Việt
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, hiện còn 2 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân. Thường trực UBQPAN nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của Luật.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với căn cước điện tử, một số ý kiến băn khoăn về sự cần thiết cấp và quản lý căn cước điện tử; đề nghị làm rõ cơ sở thực tiễn để kiểm chứng hiệu quả áp dụng quy định căn cước điện tử trong dự thảo Luật. Thường trực UBQPAN đề nghị cho giữ các quy định về căn cước điện tử như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Liên quan đến giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (Điều 7 dự thảo Luật Chính phủ trình), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã chuyển Điều này về Chương III (Điều 30), đổi tên Chương III thành “Thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước” và bổ sung, chỉnh lý Điều 5, chỉnh sửa toàn diện Điều 30 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam; điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước, việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước; thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam; việc quản lý người gốc Việt Nam; bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam. 

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình) và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16 dự thảo Luật Chính phủ trình), để có căn cứ thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, bảo mật cơ sở dữ liệu, Thường trực UBQPAN tiếp thu ý kiến ĐBQH, chỉnh lý khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Ngoài ra, Thường trực UBQPAN kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực về chuyên môn và kỹ thuật, bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ an toàn ở mức tối đa.  

Đồng thời Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý quy định tại Điều này và Điều 10, Điều 16 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể việc phân loại trường thông tin bắt buộc cập nhật, trường thông tin thu thập từ người dân trên tinh thần tự nguyện và quy định rõ việc cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan và người dân kiểm tra, thu thập, cập nhật những thông tin còn thiếu, có thay đổi hoặc sai sót để bảo đảm tính chính xác của thông tin và thống nhất trong các cơ sở dữ liệu.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước (Điều 19 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực UBQPAN cho biết, tên gọi của thẻ căn cước còn 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình; Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên tên thẻ căn cước công dân như Luật hiện hành. Thường trực UBQPAN cho rằng, việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của . Tuy nhiên, đây là nội dung các vị ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực UBQPAN đề nghị ĐBQH cho ý kiến để lựa chọn quyết định về tên gọi của thẻ.

Liên quan đến thông tin trên thẻ căn cước, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã nghiên cứu, chỉnh sửa một số trường thông tin tại khoản 1 Điều 18 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm phù hợp và khả thi. 

Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 20 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định tại Điều 5 và Điều 23 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý để quy định cụ thể hơn về yêu cầu, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và trách nhiệm của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước của người dưới 14 tuổi.

Đề cập về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước (Điều 23 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực UBQPAN cho rằng, quy định như dự thảo Luật về việc tích hợp một số loại thông tin vào thẻ căn cước là phù hợp. Đồng thời đã rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các quy định tại Điều này và các điều khoản có liên quan trong dự thảo Luật để bảo đảm thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được chính xác, kịp thời, an toàn và hiệu quả trong khai thác và sử dụng.

Liên quan đến việc cấp, quản lý căn cước điện tử (Chương IV), Thường trực UBQPAN đã nghiên cứu, chỉnh lý khái niệm về căn cước điện tử tại khoản 15 Điều 3, chỉnh lý lại quy định tại khoản 2, bổ sung 3 khoản tại Điều 31 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể hơn về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử.

Quy định cụ thể hơn về cấp giấy tờ cho người gốc Việt
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, về vấn đề tên gọi, hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về việc giữ tên Luật Căn cước công dân, hay nên đổi thành Luật Căn cước, đại biểu nhất trí với phương án đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc. 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, nhưng đang hiện hữu, sinh sống, là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa… Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội. 

“Việc mở rộng cấp căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất với giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất với việc đặt tên là thẻ căn cước. Theo đại biểu, trên thực tế, đặt tên là thẻ căn cước sẽ đảm bảo gọn gàng của tên gọi...

Mặc dù, một số đại biểu cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, tuy nhiên, dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc này sẽ không gây tốn kém như lo lắng của các đại biểu. Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch. Đây là vấn đề mới, phù hợp và cần thiết. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc đổi tên là thẻ căn cước hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng bày tỏ thống nhất với việc cần thiết cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch.

Về thông tin trong cơ sở dữ liệu, đại biểu bày tỏ nhất trí với giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đại biểu, những dữ liệu bắt buộc ghi trong thẻ căn cước thì bắt buộc phải có như họ tên, năm sinh, quê quán, quốc tịch,… Đây là thông tin bắt buộc, còn những dữ liệu chỉ lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật trình Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo luật, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu đối với dự thảo luật trong hồ sơ kèm theo. Các đại biểu cũng cho nhiều ý kiến, bày tỏ quan điểm về nội dung, tên gọi của dự thảo luật. Dù lựa chọn phương án nào cũng cần thiết kế quy định việc cấp một loại giấy tờ phù hợp thực tiễn đối với người gốc Việt nhưng chưa xác định được quốc tịch Việt Nam. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo để tiếp thu đầy đủ, có ý kiến chính thức bằng văn bản về vấn đề tên gọi Luật, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Căn cước. Đã có 151 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu (trong đó có 130 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 17 ý kiến phát biểu và 4 ý kiến tranh luận tại Hội trường). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của UBQPAN; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.

Theo Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/quy-dinh-cu-the-hon-ve-cap-giay-to-cho-nguoi-goc-viet-20230828105028220.htm 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26580 sec| 678.563 kb