Dự thảo sửa đổi, bổ sung "Hướng dẫn chuyển tiếp tại Luật PPP" (Điều 91). Theo đó, bổ sung khoản 1a như sau:
Phương án 1: "1a. Trường hợp dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (bằng văn bản hành chính hoặc thông qua Quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch), phê duyệt đề xuất dự án, chấp thuận sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành mà đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 của Luật PPP thì tiếp tục được áp dụng các ưu đãi, bảo đảm theo văn bản chấp thuận, phê duyệt đó."
Phương án 2: "1a. Dự án PPP đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (bằng văn bản riêng hoặc theo Quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch), phê duyệt đề xuất dự án, chấp thuận sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành, đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 của Luật PPP thì tiếp tục được áp dụng các ưu đãi, bảo đảm theo văn bản được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc theo Quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch."
Dự thảo cũng bổ sung quy định: Dự án PPP đã ký kết hợp đồng trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành cần thực hiện biện pháp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng hợp đồng đã ký kết không có điều khoản quy định cụ thể việc được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì cho phép được thanh lý, chấm dứt hợp đồng trên cơ sở đồng thuận của các bên ký kết hợp đồng và đảm bảo lợi ích của Nhà nước."
Trường hợp dự án áp dụng loại hợp đồng BT có sự thay đổi về vị trí, diện tích, giá trị quỹ đất thanh toán dẫn đến thay đổi giá trị khoản nộp ngân sách nhà nước đã được đề xuất trong hồ sơ dự thầu thì cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng và nhà đầu tư thực hiện đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng để điều chỉnh giá trị nộp ngân sách nhà nước trên cơ sở đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.
Đề xuất mới về Tổ chuyên gia
Tổ chuyên gia gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm được bên mời thầu thành lập để đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự đàm phán, hồ sơ dự thầu và thực hiện các nhiệm vụ khác trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Căn cứ tính chất và mức độ phức tạp của dự án, thành phần tổ chuyên gia bao gồm các chuyên gia về lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, thương mại, hành chính, pháp lý và các lĩnh vực khác có liên quan.
Dự thảo đề xuất, cá nhân tham gia tổ chuyên gia phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Có trình độ chuyên môn liên quan đến dự án;
c) Có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của dự án;
d) Am hiểu các nội dung cụ thể tương ứng của dự án;
đ) Có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực liên quan đến dự án.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/sua-quy-dinh-ve-dau-tu-theo-phuong-thuc-doi-tac-cong-tu-ppp-10224061410275182.htm