Nghi phạm vụ án giết người ở Hà Nội đã đầu thú
Ngày 25/11, tại Bắc Kạn, Cụm thi đua Hội Luật gia các tỉnh miền núi phía Bắc đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác hội và phong trào thi đua khen thưởng năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Tham dự hội nghị có TS. Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; lãnh đạo Hội Luật gia của 12 tỉnh trong Cụm thi đua hội Luật gia các tỉnh miền núi phía Bắc và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Kạn.
Thay mặt Cụm thi đua các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2022, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lạng Sơn Lương Văn Kích - Cụm phó Cụm thi đua, đã trình bày Báo cáo Tổng kết công tác Hội và phong trào thi đua năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Cụm thi đua các tỉnh miền núi phía Bắc.
Báo cáo nêu rõ: Từ đầu năm 2022, Hội Luật gia các tỉnh trong Cụm thi đua đã xây dựng được kế hoạch và triển khai liên tục, toàn diện, sâu rộng và đều khắp. Theo đó, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được thực hiện thường xuyên, từng bước đi vào chiều sâu.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh, hình thức, phương pháp tuyên truyền phong phú, đa dạng và có nhiều đổi mới, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, nội dung tuyên truyền thiết thực, gắn với đời sống nhân dân, góp phần tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được duy trì thực hiện thường xuyên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, các đối tượng thuộc diện chính sách, người có công với nước và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội; công tác phát triển tổ chức Hội, hội viên tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, phát triển tổ chức Hội, hội viên tăng về cả số lượng và chất lượng; công tác giám sát việc thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính được duy trì thực hiện đạt hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các cấp tại địa phương, Chủ tịch Hội Luật tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh để đạt được kết quả như vậy còn có sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm, tích cực phấn đấu liên tục của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hội viên trong toàn Cụm thi đua.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong công tác Hội ở 13 tỉnh miền núi phía Bắc. Theo đó, phương thức sinh hoạt và tổ chức các hoạt động Hội chưa đồng đều ở cơ sở, chủ yếu là hoạt động lồng ghép. Công tác trao đổi thông tin, báo cáo, việc phối hợp trong triển khai nhiệm vụ có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, nhiều cán bộ, hội viên là kiêm nhiệm.
Các chương trình, kế hoạch, phong trào thi đua và các mặt công tác Hội có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời; sự phối hợp công tác Hội giữa các ngành, các cấp còn hạn chế, chưa chặt chẽ.
Với kết quả trên, các đơn vị trong Cụm đã bình xét thi đua, đề nghị Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tặng cờ thi đua cho 1 đơn vị (Hội Luật gia tỉnh Bắc Kạn) và tặng bằng khen cho 50 tập thể, 93 cá nhân.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được năm 2022, Cụm thi đua hội Luật gia các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đề ra những phương hướng nhiệm vụ trong năm tiếp theo.
Trong đó, có một số điểm đáng chú ý như: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua của Trung ương Hội, của Cụm và các phong trào thi đua của địa phương; tiếp tục đổi mới và đề ra các biện pháp nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua, đảm bảo cho phong trào thi đua phát triển đúng hướng, liên tục, thiết thực và có hiệu quả; tăng cường công tác lãnh đạo, bám sát vào chương trình do Trung ương Hội và địa phương phát động.
Đặc biệt, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kết luận, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thủ tướng Chính phủ nhất là Chỉ thị số 14 ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình mới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến những đề xuất về hoạt động và tổ chức của Hội Luật gia Việt Nam tại 13 tỉnh miền núi phía bao gồm: Vai trò, trách nhiệm và phương hướng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam theo tinh thần của Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị, cơ chế phối hợp của Hội Luật gia với các sở, ban, ngành tại các địa phương, thực hiện cơ chế giao việc, khoán biên chế, khoán kinh phí cho Hội Luật gia Việt Nam, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác Hội; mở rộng, thành lập Hội Luật gia cấp huyện tại các địa phương và gia tăng số lượng hội viên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đánh giá cao những kết quả mà Cụm đã đạt được trong năm 2022, mặc dù đây là một địa bàn với đặc thù đều là các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội rất khác nhau, nhiều địa phương điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ văn hóa, nhận thức pháp luật còn hạn chế, không đồng đều.
Bày tỏ nhất trí cao với các nội dung của báo cáo tổng kết và phương hướng nhiệm vụ trong năm 2022 của Cụm, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh thêm một số nội dung quan trọng về công tác Hội đối với 13 tỉnh miền núi phía Bắc trong năm tiếp theo.
Theo đó, các cấp Hội cần quán triệt sâu sắc tinh thần và các nội dung chỉ đạo của Chỉ thị số 14 ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình mới.
“Chỉ thị 14 là dấu mốc quan trọng mở ra nhiều cơ hội với các giải pháp quan trọng, tạo điều kiện cho Hội Luật gia Việt Nam phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay, đẩy mạnh các mặt công tác, và cũng đặt ra những nhiệm vụ mới đối với Hội trước kỳ vọng của Đảng về vai trò của Hội trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, TS. Nguyễn Văn Quyền khẳng định.
Để có thể thực hiện tốt Chỉ thị số 14, đưa Hội Luật gia phát triển lên một tầm mới, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị các cấp Hội căn cứ tình hình thực tế tại địa phương vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo để xây dựng các phong trào thi đua có hiệu quả thiết thực, có giải pháp cụ thể.
Bên cạnh đó, các tỉnh Hội cần tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Hội các cấp và phát triển hội viên nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác tổ chức Hội và hoạt động của các cấp Hội, Chi hội Luật gia trực thuộc tỉnh.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng đề nghị, các cấp Hội và mỗi hội viên cần khắc phục và phát huy lợi thế vốn có, đặc biệt là kiến thức và kinh nghiệm pháp luật để tập trung đi đầu triển khai công tác vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Đây là vấn đề rất phù hợp, thiết thực ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đặc biệt, trong năm 2024, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV với rất nhiều nội dung, chỉ đạo quan trọng sẽ được đưa ra. Do đó, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị các các cấp Hội cần bám sát thực hiện các kế hoạch của Trung ương Hội về việc tổ chức Đại hội cấp cơ sở, cấp tỉnh trong năm 2023, làm cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc.
Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của TS. Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia của 12 tỉnh trong Cụm thi đua hội Luật gia các tỉnh miền núi phía Bắc đã thông qua nội dung và ký giao ước thi đua năm 2023.